Nguy cơ Taliban biến Afghanistan thành chợ đen vũ khí Mỹ

Taliban có thể bán kho vũ khí, trang bị Mỹ mà họ thu được trên thị trường chợ đen khắp khu vực, thu về nguồn lợi khổng lồ.

Sau khi đánh bại quân đội Afghanistan, Taliban nắm trong tay kho vũ khí, trang bị quân sự khổng lồ do Mỹ viện trợ cho nước này trong suốt 20 năm qua. Giới quan sát lo ngại một “chợ đen” vũ khí Mỹ sẽ mọc lên từ Afghanistan và được tuồn đến các nhóm khủng bố, phiến quân trong khu vực.

Đến nay, giới chức Mỹ vẫn chưa xác định chính xác số lượng vũ khí Taliban đã chiếm được hoặc bị bỏ lại trong các căn cứ Afghanistan. Tổng giá trị số vũ khí thất thoát có thể lên đến hàng tỷ USD gồm súng, đạn, phương tiện cơ giới, máy bay quân sự và thiết bị bay không người lái.

“Số vũ khí rơi vào tay Taliban có khả năng được mua bán khắp vùng trong nhiều thập kỷ tới. Với bối cảnh hiện nay, chúng là món hàng vô cùng hữu ích vì súng đạn giúp kiểm soát thêm lãnh thổ”, Nils Duquet, quyền giám đốc Viện Hòa bình Flemish, nhận định.

Các tay súng Taliban tuần tra đường phố Kabul vào ngày 18/8. Ảnh: AP.
Các chiến binh Taliban, chủ yếu mang theo vũ khí Mỹ, tuần tra đường phố Kabul ngày 18/8. Ảnh: AP.

Những hình ảnh trong tuần qua cho thấy Taliban còn chiếm được trực thăng và máy bay chiến đấu hạng nhẹ tại một số sân bay quân sự. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất là viễn cảnh các vũ khí hạng nhẹ như súng, đạn và lựu đạn được bán tràn lan ra khu vực.

“Tôi tin chắc một số trang thiết bị sẽ đến tay al-Qaeda và những lực lượng khác. Chúng ta không thể tránh khỏi kịch bản này. Rắc rối không chỉ dừng lại với Taliban”, Colin Clarke, giám đốc chính sách và nghiên cứu của tổ chức The Soufan Group, cảnh báo.

Theo Clarke, những nhóm như Taliban thường không lập tức bán các vũ khí hạng nhẹ thu được. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi khi nhóm này đã kiểm soát được Afghanistan nhưng không thể tiếp cận nguồn tiền dự trữ ở nước ngoài lẫn viện trợ quốc tế. Khi đó, bán vũ khí là phương án khả thi giúp Taliban cân bằng tài chính điều hành đất nước.

Guy Lamb, giám đốc bộ phận nghiên cứu về an ninh và bạo lực quốc tế thuộc Đại học Cape Town, đặc biệt lo ngại bất ổn lan rộng. Kho chiến lợi phẩm Taliban sẽ trở thành rủi ro an ninh với những nước láng giềng. Vũ khí hạng nhẹ dễ dàng đến tay nhiều nhóm phiến quân khác ở trong và ngoài Afghanistan, trong đó có Pakistan.

“Theo kịch bản thông thường, các tay lái súng sẽ chủ động liên hệ trả tiền hoặc đổi chác hàng hóa đắt giá lấy vũ khí”, ông cho biết.

Justine Fleischner, chuyên gia thuộc nhóm Nghiên cứu Vũ trang Xung đột (CAR) chuyên giám sát tình trạng buôn lậu vũ khí, đánh giá khả năng rất cao al-Qaeda và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chạm tay đến một phần kho vũ khí quân chính phủ Afghanistan và Mỹ để lại. Những lực lượng cực đoan có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn, đồng thời tận dụng mạng lưới quan hệ địa phương để có được số vũ khí này.

Trong hai thập kỷ qua, viện trợ quân sự Mỹ cho chính phủ Afghanistan lên đến 83 tỷ USD, chủ yếu đầu tư cho chương trình huấn luyện và vũ trang. Từ năm 2003, Mỹ cung cấp cho các lực lượng Afghanistan ít nhất 600.000 loại vũ khí hạng nhẹ như súng M-16 và M-4, 76.000 phương tiện cơ giới, 16.000 thiết bị nhìn đêm, 162.000 bộ đàm và thiết bị liên lạc, theo báo cáo chính phủ vào năm 2017.

Trong giai đoạn 2017-2019, Mỹ còn gửi thêm 4.700 xe thiết giáp Humvee, 20.000 lựu đạn và hàng nghìn cơ số đạn, theo thống kê của Tổng thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) của chính phủ Mỹ.

SIGAR từ lâu đã phản ánh thực trạng hàng nghìn khẩu súng trường và trang thiết bị “mất tích” sau khi phân bổ về các đơn vị quân đội Afghanistan. Taliban không ít lần biểu dương sức mạnh với khí tài do Mỹ sản xuất. Dù vậy, chưa bao giờ họ nắm được trong tay số lượng vũ khí lớn như hiện nay.

Chính phủ Mỹ đang chật vật tìm cách kiểm kê vũ khí, gồm số lượng và tình trạng sử dụng, mà quân đội Afghanistan đã giao nộp cho Taliban những tuần qua. Dù chưa đưa ra báo cáo cụ thể, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan ước đoán một phần đáng kể số vũ khí cung cấp cho quân đội Afghanistan đã rơi vào tay lực lượng Taliban.

Quân nhân Afghanistan ngày 15/8 tuần tra tại Panjshir, thành phố cuối cùng chưa bị Taliban kiểm soát. Ảnh: AFP.
Quân nhân Afghanistan ngày 15/8 tuần tra tại Panjshir, thành phố cuối cùng chưa bị Taliban kiểm soát. Ảnh: AFP.

Vấn đề lớn nhất mà Taliban đối mặt là bảo trì và sửa chữa số vũ khí Mỹ thu được. Phụ tùng thay thế sẽ sớm cạn kiệt nếu nhóm phải chạm trán với những lực lượng chống đối như Liên minh Phương Bắc vừa được tái lập.

Vũ khí, khí tài đắt giá nhất như trực thăng, máy bay và thiết bị liên lạc khó tiếp tục vận hành bình thường sau vài tháng nữa. Bản thân chính phủ Afghanistan cũng không đủ sức tự bảo trì máy bay và phương tiện cơ giới nếu không nhờ các nhà thầu nước ngoài. Máy bay chiến đấu A-29 hay trực thăng Black Hawk đòi hỏi kỹ thuật sửa chữa phức tạp, dễ dàng bị vô hiệu hóa một khi mất nguồn cung ứng phụ tùng từ Mỹ.

“Tuy nhiên, Taliban vẫn đủ khả năng duy trì trang thiết bị do Nga chế tạo vô thời hạn”, Fleischner lưu ý.

Vũ khí hạng nhẹ lại là câu chuyện khác. Các chuyên gia dự đoán Taliban đang nắm trong tay hàng triệu viên đạn cho súng Mỹ.

Riêng từ tháng 4 đến tháng 7/2021, Mỹ cung cấp cho các lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan hơn 1.000 rocket, 61.000 đạn cỡ 40 mm, 900.000 viên đạn 12,7 mm và hơn hai triệu viên đạn 7,62 mm. Một khi dùng hết kho đạn dự trữ này, Taliban vẫn còn cơ hội tìm mua đạn bổ sung trên thị trường.

“Taliban có nhiều kinh nghiệm sử dụng vũ khí do Mỹ chế tạo như súng máy hạng nặng, súng cối, pháo và xe Humvee. Họ mua lại, đánh cắp và chiếm giữ từ chính những đơn vị an ninh quốc gia Afghanistan suốt gần hai thập kỷ qua”, Robert Muggah, chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu SecDev Group, nhận định.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents