Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa trong hai tuần qua, cho thấy chính sách theo đuổi đối thoại của Biden hoàn toàn sai lầm, theo chuyên gia tại Washington.
“Tổng thống Joe Biden chỉ lựa chọn phương án đối thoại với Triều Tiên. Đó là chính sách của ông ấy trong năm 2021. Ông ấy thậm chí không đưa ra bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng năm ngoái”, Anthony Ruggiero, học giả tại Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ có trụ sở tại Mỹ, nhận xét hôm qua.
Phát biểu được Ruggiero đưa ra sau khi Triều Tiên 4 lần thử tên lửa liên tiếp trong tháng này, bao gồm hai vụ phóng tên lửa siêu vượt âm ngày 5 và 11/1, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa ngày 14/1 và tên lửa chiến thuật hôm qua.
“Đó hóa ra là một sai lầm. Tôi chắc chắn sẽ có thêm nhiều vụ thử tên lửa, bởi chúng ta mới chỉ đi qua nửa tháng 1”, Ruggiero nói thêm.
Trong năm 2021, Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa hiện đại, nhưng chính quyền Biden không có những phản ứng mạnh mẽ. “Khi bạn để các lệnh trừng phạt suy yếu và không có động thái rõ ràng với những cuộc thử nghiệm cuối năm ngoái, tôi nghĩ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng họ có thể tùy ý hành động”, học giả Mỹ nhận định.
Bộ Tài chính Mỹ tuần trước công bố lệnh cấm vận nhằm vào 6 công dân Triều Tiên ở Nga và Trung Quốc, cùng một người Nga và một doanh nghiệp nước này bị Washington nghi chịu trách nhiệm mua sắm trang thiết bị cho các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Bộ Tài chính Mỹ thêm rằng lệnh cấm vận được đưa ra sau 6 vụ thử tên lửa đạn đạo được Triều Tiên tiến hành từ tháng 9/2021, cáo buộc hành động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Giờ đây chính quyền Biden nói rằng ‘đó không phải điều Triều Tiên có thể tùy ý làm’. Đây là khởi đầu tốt, nhưng họ cần làm thêm nhiều thứ nữa”, Ruggiero đánh giá, thêm rằng các chính quyền Mỹ trong quá khứ cũng phạm sai lầm khi cho rằng đối thoại được với Triều Tiên là thành tựu đáng ghi nhận.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Hàn Quốc, cho rằng Mỹ và các đồng minh cần đề xuất hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên một khi nước này sẵn sàng trở lại bàn đối thoại, nhưng kêu gọi không gỡ bỏ cấm vận quốc tế trước những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng.
“Triều Tiên đang tìm cách gài bẫy chính quyền Biden. Họ thúc đẩy các vụ thử tên lửa và phản ứng với áp lực từ Mỹ bằng những hành động gây hấn tiếp theo, nhằm tìm kiếm nhượng bộ”, ông nhận xét.
Easley cho rằng Bình Nhưỡng có khả năng sẽ tiếp tục phóng tên lửa trong tháng 1, nhưng khó tiếp tục leo thang hơn nữa trong tháng 2, khi Olympia Mùa đông 2022 sẽ diễn ra tại Trung Quốc, đồng minh có ảnh hưởng rất lớn tới Triều Tiên.
Suốt hơn hai năm qua, Bình Nhưỡng đã tập trung phát triển hàng loạt tên lửa nhằm mục đích xuyên thủng hệ thống phòng thủ đối phương, dập tắt mọi ý định tấn công phủ đầu vào Triều Tiên.Video Player is loading.DừngHiện tại 0:03/Thời lượng 2:19Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình
Dàn tên lửa uy lực trong kho vũ khí Triều Tiên. Video: CNN.
Điều này được cho là có thể giúp ngăn chặn một cuộc đối đầu khác với Mỹ như năm 2017, khi cựu tổng thống Donald Trump đe dọa trút “lửa và thịnh nộ” lên Triều Tiên. Các vụ thử nghiệm cũng cho thấy Kim Jong-un vẫn duy trì kế hoạch ngăn chặn mọi cuộc tấn công trong tương lai, ngay cả sau các hội nghị thượng đỉnh chưa từng có với Trump.
Triều Tiên đến nay vẫn từ chối đề nghị đàm phán của Tổng thống Biden, khiến nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo tiếp tục bế tắc. “Kể từ khi nhậm chức, chính quyền mới của Mỹ luôn nói rằng chúng tôi sẵn lòng đối thoại với Triều Tiên, sẵn lòng thảo luận về Covid-19 và viện trợ nhân đạo. Thay vào đó, họ lại phóng tên lửa”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho hay.
Soo Kim, nhà phân tích chính sách tại tổ chức RAND của Mỹ, cho rằng Kim Jong-un dường như muốn Washington nhận thức được khả năng răn đe của Bình Nhưỡng không chỉ đang gia tăng mà còn mở rộng hơn bao giờ hết với các phương án đa dạng. “Bằng cách này, ông ấy không chỉ cải thiện vị thế trên bàn đàm phán, mà còn tạo ra yếu tố bất ngờ khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế phải cảnh giác”, chuyên gia nói.