Đây là cảnh báo mới đây của Alzheimer’s Disease International (ADI), tổ chức đại diện cho hơn 100 hiệp hội về bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ trên toàn cầu.
Trong một công bố ngày 1/9, tổ chức Alzheimer’s Disease International (ADI) cho rằng thế giới có thể chưa sẵn sàng đối mặt với một làn sóng các ca bệnh sa sút trí tuệ sắp xảy ra và số lượng người mắc bệnh này có thể tăng vọt do đại dịch Covid-19.
“Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc nhiễm Covid-19 có thể làm tăng khả năng người đó bị sa sút trí tuệ và khiến các triệu chứng sa sút trí tuệ xuất hiện sớm hơn bình thường”, ADI cho biết.
Sa sút trí tuệ là từ thường được dùng để chỉ sự suy giảm chức năng của não bộ, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ, điều khiển hành vi và cảm xúc. Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi chứng sa sút trí tuệ.
“Trong ngắn hạn, số lượng người bị sa sút trí tuệ có thể tạm giảm do số người mắc chứng sa sút trí tuệ tử vong vì Covid-19 – ước tính chiếm 25-45% tổng số ca tử vong vì Covid-19”, tổ chức có trụ sở tại London, cho biết trong thông cáo công bố ngày 1/9. “Tuy nhiên, trong dài hạn, số người bị sa sút trí tuệ có thể tăng đáng kể do những tác động về thần kinh của dịch bệnh”.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc cuối năm 2019, đến nay đã có hơn 217 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, trong đó hơn 18 triệu ca ghi nhận trong 28 ngày qua. Các nhà phân tích nhận định số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu có thể cao hơn số liệu được báo cáo do một số yếu tố như năng lực xét nghiệm và báo cáo.
ADI cho rằng cần phải tìm hiểu kỹ hơn mối liên hệ giữa Covid-19 và chứng sa sút trí tuệ.
“Nhiều chuyên gia về sa sút trí tuệ trên toàn cầu đang vô cùng quan ngại về mối liên hệ giữa chứng sa sút trí tuệ và các triệu chứng liên quan tới thần kinh của người bệnh Covid-19”, bà Paola Barbarino, Giám đốc điều hành của ADI, cho biết.
Theo Tiến sĩ Alireza Atri, một nhà thần kinh học và là chủ tịch Hội đồng cố vấn khoa học và y tế của ADI, ông “đặc biệt lo lắng” về những tác động tiêu cực mà cái gọi là “Covid kéo dài” (long Covid) – bao gồm các triệu chứng như mất vị giác và khứu giác, “sương mù não” hoặc kém minh mẫn, cũng như gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ và suy nghĩ.
Ông Atri, hiện cũng là giám đốc Viện nghiên cứu sức khỏe Banner Sun ở Mỹ, giải thích rằng Covid có thể phá hủy hoặc làm đông các vi mạch máu trong não, làm tổn thương khả năng miễn dịch của cơ thể và gây viêm.
“Điều này khiến những yếu tố có thể gây hại dễ dàng tiếp cận não bộ và gây ra các triệu chứng rối loạn thần kinh – như sa sút trí tuệ – xuất hiện sớm hơn”, ông Atri cho biết.
Theo thống kê của WHO, trên thế giới có khoảng 50 triệu người bị sa sút trí tuệ, với gần 10 triệu ca mới ghi nhận mỗi năm.
ADI cho biết kể cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, số lượng người bị sa sút trí tuệ đã được dự báo sẽ tăng từ 55 triệu lên 78 triệu vào năm 2030. Song song với đó, chi phí liên quan tới sa sút trí tuệ, bao gồm chi phí chăm sóc y tế, có thể tăng lên 2.800 tỷ USD mỗi năm.
“Chúng tôi kêu gọi WHO, các chính phủ và các tổ chức nghiên cứu trên toàn cầu ưu tiên và cam kết tài trợ nhiều hơn để nghiên cứu và thiết lập các nguồn lực trong lĩnh vực này, để tránh bị bất ngờ bởi một đại dịch sa sút trí tuệ có thể xảy ra”, bà Barbarino nhấn mạnh.
Theo bà, việc hiểu rõ hơn mối liên hệ của Covid-19 và chứng sa sút trí tuệ có thể giúp các nhà chức trách kiểm soát tốc độ gia tăng số lượng ca bệnh và xác định những triệu chứng sớm nhất có thể.
“Nắm được các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo của bệnh sa sút trí tuệ sẽ giúp mọi người tìm kiếm thêm thông tin, lời khuyên và hỗ trợ, và được chẩn đoán”, bà giải thích. “Chúng tôi muốn mọi người nhận thức được mối liên hệ giữa triệu chứng Covid-19 kéo dài và bệnh sa sút trí tuệ, để họ có thể tự nắm bắt các triệu chứng của mình và theo dõi chúng”.