Những tai nạn mua sắm online mùa dịch

Lỡ đặt quá nhiều hay sản phẩm không đúng như quảng cáo là vài mặt trái của việc mua sắm trực tuyến mùa dịch.

Khi Sam Bowker và người yêu chuyển đến căn hộ mới, họ định mua bộ chiếc sofa như cách bấy lâu vẫn làm, tức là trực tiếp đến một cửa hàng đồ cũ.

Covid-19 phá hỏng kế hoạch này. Rất may là cửa hàng đồ cũ vẫn còn dịch vụ vận chuyển nên một buổi tối, sau vài ly rượu, Bowker lên trang bán hàng trực tuyến. Tại đó, anh tìm thấy “một chiếc ghế ba chỗ màu đen kiểu dáng đẹp, có thể tự lắp đặt dễ dàng và miễn phí vận chuyển”.

Với Bowker, chiếc ghế trông như sản phẩm của một hãng nội thất nổi tiếng. Nó có giá 300 AUD, vượt một chút số tiền anh định tiêu nhưng “có vẻ đáng”. “Thế là tôi đặt nó, khoảng hai – ba tuần sau thấy một chiếc hộp nhỏ xíu ở trước cửa nhà”, Bowker kể.

“Tim tôi như chùng xuống khi thấy chiếc hộp tí hon đó. Một phần trong tôi hy vọng lúc lắp xong, nó sẽ to hơn”.

Sam Bowker bỏ 300 AUD mua ghế trên mạng nhưng nay đã bỏ. Ảnh: The Guardian
Sam Bowker bỏ 300 AUD mua ghế trên mạng nhưng nay đã bỏ. Ảnh: The Guardian

Một chuyện không như Bowker hy vọng. Chiếc ghế sofa anh mua “như thể đèn pin thu nhỏ quét qua”. Người đàn ông kiểm tra lại kích thước món đồ trên trang mua hàng và phát hiện ghế chỉ sâu 30 cm, trong khi con số tiêu chuẩn thường từ 55 đến 70 cm.

“Tôi nghĩ đây là ghế cho trẻ con”, Bowker đoán. Anh không gửi trả chiếc ghế mà giữ trong phòng khách dùng tạm. Tuy vậy, một chân ghế đã vênh nên lần chuyển nhà sau đó, Bowker và người yêu đã bỏ nó đi.

Trên mạng xã hội, Bowker chia sẻ trải nghiệm của mình và bị một số người chê trách vì không kiểm tra kích thước trước. “Tôi thấy mình thật ngốc. Nhưng nếu nghe cụm từ ‘ghế sofa ba chỗ’, bạn thường không nghĩ đến số đo nữa”, anh trải lòng.

Bowker không phải là người duy nhất gặp tai nạn mua sắm online mùa dịch. Thực tế, với thông tin và hình ảnh hạn chế, bạn khó có thể biết chính xác món đồ mình định mua thực sự trông thế nào ở ngoài đời. Hơn nữa, khách hàng không phải lúc nào cũng được nhân viên cửa hàng tư vấn nên càng dễ ra đưa ra quyết định sai. Chưa kể, đôi khi, cửa hàng còn gửi nhầm đồ.

Không phải mọi tai nạn đều là sai lầm vô ý. Thấy một số món đồ được quảng cáo là “tác phẩm điêu khắc cổ bằng đồng” trên mạng xã hội, Chris Owen nghĩ rằng chúng “thật sáng tạo và giàu liên tưởng”.

Owen trả 40 AUD cộng phí vận chuyển cho một “tác phẩm điêu khắc”. Và quá trình chờ đợi bắt đầu. Khi tìm cách hỏi công ty vận chuyển, Owen nhận ra “dường như chẳng có kênh liên lạc nào làm việc cả”. Cuối cùng, sau hơn ba tháng, anh mới nhận được gói hàng.

“Tôi mở hòm thư và thấy hai hộp nhỏ, kích thước bằng hộp đựng kẹp giấy. Tôi nghĩ không thể như thế được nhưng lúc mở ra thì đúng là món đồ tôi đặt ở trong”, Owen nhớ lại.

Hình quảng cáo và món đồ thực tế Owen nhận được. Ảnh: The Guardian
Hình quảng cáo và món đồ thực tế Owen nhận được. Ảnh: The Guardian

Thay vì “tác phẩm điêu khắc” như quảng cáo, Owen nhận được “một miếng nhựa nhỏ xíu, tạo hình không hề giống với quảng cáo”. Tỷ lệ của nó cũng sai vì bàn tay to gấp đôi cái đầu.

“Tôi biết là tác phẩm điêu khắc bằng đồng không thể có giá như tôi đã trả. Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng mình đã chi số tiền đó cho một cục nhựa dài 3 cm”, Owen nói, tiết lộ thêm kích thước ghi trên trang quảng cáo là 15 cm. Anh cố yêu cầu người bán hoàn tiền nhưng bị từ chối.

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) nhận được hơn 10.800 báo cáo về lừa đảo mua sắm trực tuyến với thiệt hại lên tới hơn 3,9 triệu AUD. ACCC cho biết “số vụ lừa đảo đã tăng lên từ khi Covid-19 bắt đầu và có thể một phần do trong thời gian phong tỏa, người dân không thể tự do đi lại để trực tiếp kiểm tra sản phẩm”.

Tuy vậy, không phải mọi tai nạn mua sắm trực tuyến đều kết thúc cay đắng như Owen.

Thời điểm “ở đáy vực của sự tuyệt vọng”, Jack Cowell tìm hiểu và bị ám ảnh bởi phong cách thời trang đồng quê, đặc biệt là nhà thiết kế trang sức Beepy Bella. Dù không có sở thích đeo trang sức, nam nhạc sĩ vẫn mê mẩn những chiếc vòng đính hạt lấy cảm hứng từ thiên nhiên với hình thù đặc biệt.

Sau vài tuần trăn trở, Cowell thấy mình “cần một chút serotonin hoặc dopamine cho bộ não” nên bỏ ra 500 AUD mua vòng cổ. “Tôi biết mình chỉ có thể mua một món thôi. Đây cũng là thứ đắt nhất tôi mua trong thời gian phong tỏa”, anh nói.

Nhận hàng, Cowell “lập tức cảm thấy hạnh phúc”. Hộp đựng được trang trí với nấm, lá vàng còn chiếc vòng nằm trong một chiếc túi tinh xảo “như đồ do yêu tinh làm”.

Cowell cẩn thận lấy vòng ra, đeo lên cổ và ngắm nghía trước gương. Bất ngờ, chiếc vòng đứt, hạt vương vãi khắp phòng.

Cowell đeo thử chiếc vòng giá 500 AUD, vài phút trước khi nó đứt. Ảnh: The Guardian
Cowell đeo thử chiếc vòng giá 500 AUD, vài phút trước khi nó đứt. Ảnh: The Guardian

Do vòng đã hỏng, Cowell không thể trả lại nó. Anh tự nhủ sự cố xảy ra do cổ mình quá to. Hồi đi học, Cowell cũng bị bạn bè trêu vì lý do ấy. “Điều này càng cho thấy tôi nên bỏ đeo vòng cổ trong 10 năm tới”, chàng nhạc sĩ nói.

Thay vì ủ ê, Cowell nhớ ra một cô bạn cũng thích trang sức phong cách đồng quê đang “hơi thiếu vận may” và gửi tặng chiếc vòng cho người đó.

“Cô ấy đã sửa lại chiếc vòng và thường xuyên gửi ảnh cho tôi. Cô ấy gần như đeo nó mỗi ngày”, Cowell nói. “Món quà tuyệt vời nhất chính là cho đi”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận