Bà Thu Hà thấy trời đất như đổ sụp dưới chân khi kết quả test nhanh cho biết đã dương tính với nCoV, hôm 5/8.
Đã 15 năm sống chung với căn bệnh Parkinson cùng với một loạt bệnh nền khác như lao xương, thoát vị đĩa đệm… nên ngay khi nghe râm ran TP HCM có dịch, bà Hà đã đóng cửa tự cách ly trong nhà. “Tôi không biết mình lây từ ai. Nhà chỉ có hai vợ chồng, ông ấy đã tiêm hai mũi vaccine”, người phụ nữ 59 tuổi ở quận Bình Thạnh, nói.
Hai ngày trước khi đi tiêm vaccine, bà đã thấy các triệu chứng như ho, sốt nhẹ… ngỡ là cảm cúm thông thường. Hôm đó, TP HCM có 3.886 người mắc Covid-19. Bà không nghĩ có ngày mình sẽ là một trong số đó.
Sau phút hoảng loạn, người phụ nữ tự trấn an và đề nghị bác sĩ cho điều trị tại nhà. “15 năm qua tôi đã dặn mình luôn phải cố gắng gấp đôi người bình thường, giờ này càng cần như vậy”, bà nói. Có xe lăn, nhưng ngày thường, bà vẫn tự dựa tường hoặc chống gậy đi lại quanh nhà, vịn cầu thang lên sân thượng trồng rau.
Trên đường về, hai vợ chồng lập sẵn kế hoạch cách ly. Họ đều biết, vaccine AstraZeneca sau khi tiêm mũi hai đạt hiệu quả khoảng 81%, nghĩa là vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh dù thấp. Cặp vợ chồng xác định với nhau phải tuân thủ 5K, chồng khỏe thì mới cứu được vợ.
Bắt đầu những ngày cùng vợ đương đầu với Covid-19, ông Bình Hùng (chồng bà) dọn sang phòng ngủ khác. Tuy vậy, đêm nào ông cũng xếp ghế ra bếp, hướng vào phòng của vợ, thấp thỏm mỗi đêm. Bà Hà được chuẩn bị một bộ chén bát riêng, ăn xong rửa ngay bằng nước nóng rồi sấy khô. Quần áo của bà cũng được chồng cho vào máy, giặt ở nhiệt độ 70 độ C. “Tôi chỉ hỏi vợ cần gì để giúp dù biết từ khi bị bệnh Parkinson, bà ấy đã luôn cố gắng và nỗ lực rồi”, ông chồng 61 tuổi, cho biết.
Một mình cách ly trong phòng, người phụ nữ mở tung cửa sổ để hít khí trời. Có điều, bà không dám ra ban công tắm nắng, dù vẫn bước đi được bởi nhà hàng xóm bốn người đều dương tính, một người đã mất vì Covid-19. Trên bàn xếp đầy các loại giấy Origami hay gấp, nay bà Hà dọn sạch cho thoáng đãng. Thứ duy nhất bà giữ lại là khối rubik, để giải trí, tránh nằm không dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Nước, thuốc, thiết bị y tế và các loại bánh bà đặt sát giường, vừa tầm với để chủ động.
Hàng ngày, bà nhắn tin báo cáo tình trạng sức khỏe cho một bác sĩ quen. Vị bác sĩ gửi thuốc theo đơn và bình oxy đến tận nhà, tư vấn ngay khi cần. Nghe tin bà nhiễm virus, một người bạn gửi tặng chiếc máy đo nồng độ oxy (SpO2). Những người khác gửi rau, trái cây tiếp sức. Tin nhắn dồn dập đến, người phụ nữ phải dặn: “Các chị đừng nhắn tin nữa, em cần giữ sức”.
Hàng ngày ông Bình Hùng nấu cháo, cơm, bún… những món dễ ăn dễ nuốt, đổi bữa cho vợ. Ông cài kiểu chuông riêng cho số điện thoại của vợ để kịp phản ứng khi bà gọi. Biết uống nhiều nước giúp không sốt quá cao, ông Hùng liên tục tiếp tế cho vợ. Người chồng đặt ở mỗi phòng trong nhà một chai cồn, trước khi chạm vào đồ dùng, ông bà đều xịt khử khuẩn.
Những chuẩn bị như vậy vẫn là chưa đủ, bà Hà tìm hiểu rất kỹ về phương pháp thở, hướng dẫn F0 cách ly tại nhà và bắt đầu tập thở sâu dù chưa có các triệu chứng nặng.
Đến ngày thứ chín, “con Covid” bắt đầu hành hạ bà bằng huyết áp tăng vọt, người rã rời như bị đánh, sốt hơn 38 độ. Ban đêm, người phụ nữ 59 tuổi chỉ ngủ được hơn một tiếng, nhiều lúc lơ mơ, mất ý thức. Cháo chồng nấu, bà ăn vào là ói, mỗi nhịp thở đều vô cùng khó khăn. Những cơn đau ập đến khiến sức lực gần như tiêu tan.
“Phải thở, phải thở”, bà tự giục mình. Những tin nhắn của hai con trai đang ở nước ngoài động viên, tiếng chồng lách cách nấu ăn, dọn dẹp, lau chùi ngoài nhà bếp giúp bà gượng dậy. Cứ mỗi lần mở mắt, bà lại múc từng thìa cháo nhỏ đổ vào miệng nuốt lấy sức.
Có những đêm tức ngực, không thể cất được tiếng gọi chồng, bà tự rướn người lấy máy đo chỉ số oxy. Thấy chỉ số ổn định, bà bình tĩnh trở lại, áp dụng phương pháp thở sâu nên dần lấy lại được hơi thở.
Sang ngày thứ 12, những cơn sốt giảm dần, cơn đau không kéo đến dồn dập như trước, người phụ nữ đã có thể dựa tường ngồi dậy. Lúc tỉnh táo, bà tập hát để bớt suy nghĩ, dẫu được vài câu đã hụt hơi. Ở ngoài bếp, ông Bình Hùng đàn piano, hoặc chơi ghita. Thấy vợ im lặng hồi lâu, ông nhắn tin: “Vợ ơi, hát đi”.
Nhìn thấy khuôn mặt chồng đờ đẫn vì mất ngủ, rạc hẳn đi nhưng vẫn tếu táo, bà Hà vừa thương vừa xúc động. “Nếu không có anh ấy, chắc tôi không vực dậy được”, bà nói.
Sang ngày thứ 13, ông Hùng đặt phòng khám đến lấy mẫu dịch họng làm xét nghiệm PCR cho vợ. Kết quả bà Hà vẫn dương tính nhưng nồng độ virus giảm đáng kể.
Ngày thứ 22 chiến đấu với Covid-19, người phụ nữ bị Parkinson đã có thể dựa tường đi lại quanh nhà. Bà ra ban công tắm nắng, vào thăm gian bếp mà những ngày nằm dài trên giường ao ước được chạm tay đến, rồi vịn cầu thang, lần từng bước lên thăm vườn rau sân thượng. Tuy nhiên, bị virus tấn công, sức lực của bà Hà không còn như trước. Chỉ đi tắm, nấu ăn cũng khiến bà phải dựa tường thở dốc.
“Tôi nghiệm ra rằng để vượt qua Covid-19, cùng với phương pháp điều trị phù hợp, sự động viên của người thân cũng cần cần một ý chí quyết liệt, không bao giờ được phép từ bỏ. Tôi cũng thật may mắn khi có các bác sĩ nhiệt tình hỗ trợ, có chồng ở bên, có con và những người bạn ủng hộ tinh thần lẫn vật chất”, bà Hà nói.
Chiều 25/8, con trai gọi về đúng lúc cháu nội ăn cơm. Qua video, bà hát cho cậu bé nghe. Nó gật gù theo nhịp rồi đòi bà hát “Twinkle little stars”, “Happy birthday”.
“Mẹ đang ở đây, giữa Sài Gòn, bên những người thân yêu nhất. Những khoảnh khắc tưởng như rất đời thường thế này bỗng trở nên thật quý giá”, bà mỉm cười nói với con cháu, rồi cất tiếng hát theo yêu cầu.