Hơn 4,3 triệu người già cần hỗ trợ chăm sóc

Việt Nam có 12,58 triệu người cao tuổi (trên 60), trong đó hơn 4,3 triệu sống một mình hoặc cùng người dưới 15 tuổi cần hỗ trợ chăm sóc.

Sáng 9/12, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân, công bố thông tin trên tại một cuộc họp báo ở Hà Nội. Đây là kết quả điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2021 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện từ tháng 4 với hơn 305.000 hộ dân ở hơn 7.600 địa bàn trên cả nước.

Báo cáo chỉ ra từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2019 đến nay, số người cao tuổi tăng hơn 1,17 triệu, lên 12,58 triệu, chiếm 12,8% dân số. Hiện chưa có tỉnh nào số người già vượt số trẻ em. “Tuy nhiên, đến năm 2029 sẽ có 14 tỉnh người cao tuổi nhiều hơn trẻ em, 10 năm tiếp theo con số này là 41”, TS Long nói và cho rằng dự báo này cho thấy Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh, tốc độ già hóa ở các tỉnh khác nhau nên cần chính sách chăm sóc người già khác nhau.

PGS. TS Giang Thanh Long nói về nhu cầu chăm sóc người già. Ảnh: Gia Chính
PGS.TS Giang Thanh Long nói về nhu cầu chăm sóc người già. Ảnh: Gia Chính

Cả nước có hơn 4,3 triệu người cao tuổi sống một mình hoặc cùng người dưới 15 tuổi. Đây là các hộ gia đình khuyết thế hệ, chỉ có ông bà sống với cháu, thế hệ ở giữa đã di cư đi đâu đó. “Nhóm người này hạn chế khả năng tự chăm sóc bản thân nên các chính sách cần tập trung cho họ”, ông Long nói.

Báo cáo cũng chỉ ra gần 37% người trên 80 tuổi bị khuyết tật ít nhất một chức năng như nhìn, nghe, đi bộ, bước lên cầu thang, giao tiếp, cần được chăm sóc trong các hoạt động hàng ngày. Hầu hết đang được chăm sóc bởi vợ, chồng, con cháu. Tỷ lệ người chăm sóc được thuê hoặc từ cơ sở chăm sóc còn thấp.

Gần 37% người cao tuổi khuyết một chức năng. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Gần 37% người cao tuổi khuyết một chức năng. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đây là lần đầu tiên Việt Nam lồng ghép nhu cầu chăm sóc người cao tuổi vào điều tra dân số. Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần cải thiện chính sách chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Đây là vấn đề chung của xã hội nên cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Đại diện Ủy ban Dân tộc cho rằng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi có mối quan hệ mật thiết với mất cân bằng giới tính. Người châu Á chuộng con trai, nguyên nhân chính là quan niệm con trai là người chăm sóc mình khi về già. “Khi phát triển dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi tốt thì tư tưởng của người dân về việc sinh con trai sẽ thay đổi”, đại diện Ủy ban Dân tộc nói.

Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng năm 2007 khi tỷ trọng trẻ em nhỏ hơn 30%, người già nhỏ hơn 15%. Dự báo, từ năm 2036 Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Số người già tăng từ hơn 11,4 triệu năm 2019 lên 17,3 triệu năm 2029 và đạt 31 triệu năm 2069.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x