Cùng bị chủng Delta tấn công, Anh đang chứng kiến xu hướng dịch giảm dù dỡ hạn chế, trong khi số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh gần đây.
Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Anh, với sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan, đang dần hạ nhiệt. Vào cuối tháng 7, Anh ghi nhận khoảng 43.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Nhưng hiện tại, con số này giảm một nửa, dù các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ hoàn toàn từ ngày 19/7.
Trong khi đó, Mỹ đang chứng kiến đợt bùng phát mạnh do chủng Delta gây ra. Khác với Anh, nhiều chuyên gia lo ngại xu hướng dịch giảm chưa thể xuất hiện sớm ở Mỹ, dù nước này có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và nguồn cung vaccine dồi dào.
Tiến sĩ Carl Fichtenbaum, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và giáo sư tại Đại học Y khoa Cincinnati ở Mỹ, cho biết đợt bùng phát Covid-19 mới nhất của Anh là làn sóng thứ tư mà nước này đối mặt từ khi dịch bùng phát.
Làn sóng đầu tiên vào tháng 4/2020 tương đối nhỏ và Anh có thể nhanh chóng làm phẳng đường cong dịch. Đợt bùng phát lớn hơn vào tháng 9/2020 đã thoái lui trước khi làn sóng lớn hơn nữa tấn công vào tháng 1 năm nay do biến chủng Alpha gây ra.
“Làn sóng thứ ba đã giảm mạnh và họ đã thấy điều tương tự vào tháng 7, nó đạt đỉnh rồi giảm đáng kể”, Fichtenbaum nói.
Chủng Delta xuất hiện ở Anh từ cuối tháng 4 và nhanh chóng trở thành chủng trội vào tháng 5. Đợt bùng phát mới nhất chạm đỉnh hôm 21/7 và ca nhiễm giờ đang giảm.
Tín hiệu tích cực nhất về đợt bùng phát mới ở Anh là dù ca nhiễm tăng, số người nhập viện hoặc phải chăm sóc đặc biệt chỉ chiếm phần nhỏ so với những gì xảy ra trong các đợt bùng phát trước.
“Điều đó thực sự đảm bảo rằng tỷ lệ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên có thể giúp con người bị bệnh nhẹ hơn trong các đợt bùng phát của chủng Delta”, Fichtenbaum nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Bob Bollinger, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, cho rằng xu hướng giảm ca nhiễm ở Anh do nhiều yếu tố.
Anh hiện có tỷ lệ tiêm chủng ở người trưởng thành cao, với 89% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều và 75% tiêm đủ liều. Dù tỷ lệ tiêm chủng cao đồng nghĩa ít người có nguy cơ nhiễm nCoV hơn, Bollinger nói đợt giảm trong tuần qua dường như nhờ nhiều người Anh đã đạt khả năng miễn dịch tự nhiên qua các làn sóng Covid-19 trước đây.
Bollinger thêm rằng Anh cũng ghi nhận tỷ lệ đeo khẩu trang, cách ly sau nhiễm, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tương đối cao. Quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở Anh đã kết thúc vào ngày 19/7.
Fichtenbaum nhận định việc trường học bước vào mùa nghỉ hè ngay trước khi đợt bùng phát đạt đỉnh cũng là yếu tố dẫn tới xu hướng giảm hiện tại. Khoảng ba tuần sau khi học sinh kết thúc học kỳ vào tháng 12 năm ngoái, đợt bùng phát thứ ba ở Anh bắt đầu. Đợt bùng phát thứ 4 đạt đỉnh khoảng một tháng sau khi học sinh bắt đầu nghỉ hè vào ngày 30/6.
“Nếu học sinh vẫn tới trường, đợt bùng phát có thể vẫn tiếp diễn và dịch lây lan nhiều hơn. Nhưng tôi nghĩ bởi vì trường học nghỉ, tỷ lệ lây nhiễm giảm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng, vốn có nguy cơ lây virus cho người lớn tuổi hơn trong cộng đồng”, Fichtenbaum nói.
Tại Mỹ, 71% người trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi và 61% hoàn thành chương trình tiêm chủng. Nhưng ở nhiều bang, như Mississippi, Arkansas, Louisiana, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, khiến các khu vực này nhanh chóng trở thành điểm nóng của đợt bùng phát do Delta gây ra.
“Với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều và tỷ lệ phản đối khẩu trang cao hơn ở Mỹ, tôi không kỳ vọng nhiều vào xu hướng dịch giảm mạnh ở đây”, Bollinger nói.
Hàng triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng và đây là nhóm có nguy cơ nhiễm nCoV cao nhất. Khi chủng Delta tiếp tục lây lan, số ca nhiễm có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh ở nhóm này trước khi giảm xuống.
Những người phục hồi sau mắc Covid-19 có một mức độ miễn dịch tự nhiên nhất định. Chuyên gia cho biết nhóm này cũng được bảo vệ, nhưng họ chưa rõ mức độ tác động của nhóm này đối với các đợt bùng phát như thế nào.
“Điều khiến tôi lo lắng là chúng tôi không có tỷ lệ tiêm chủng lên tới 70-73% ở mọi bang như tại Anh”, Fichtenbaum nói.
Chỉ vài tuần nữa, trẻ em Mỹ sẽ trở lại trường học. Với biến chủng Delta lây lan mạnh khi nước này không đạt được tỷ lệ tiêm chủng đủ cao hay áp dụng các biện pháp hạn chế, Fichtenbaum lo ngại Mỹ sẽ ghi nhận nhiều ca nhập viện hơn ở những khu vực triển khai vaccine chậm chạp.
Giới chuyên gia nhận định vaccine chính là yếu tố quyết định nhiều nhất tới xu hướng dịch trong tương lai. Nếu Mỹ có thể tăng tỷ lệ tiêm chủng trong vài tuần tới, quốc gia này có thể chạm đỉnh dịch vào tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
“Nếu chúng ta có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% ở người trưởng thành và khoảng 75% ở lứa tuổi học sinh, tôi nghĩ chúng tôi có thể kiểm soát đại dịch”, Fichtenbaum nói.
Để đối phó với Delta, Mỹ đã nỗ lực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Nhưng ngay cả khi hàng triệu người Mỹ đã tiêm vaccine, họ vẫn cần khoảng 6 tuần để đạt mức độ bảo vệ tối đa, theo Bollinger.
“Nếu muốn chứng kiến số ca nhiễm giảm mạnh ngay lập tức như ở Anh và sau đó là tỷ lệ nhiễm thấp kéo dài ở Mỹ, chúng tôi sẽ cần khiến mọi người dân, dù tiêm chủng hay chưa, đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ cao trong hai tháng tới, trong khi thuyết phục những người chưa tiêm nhanh chóng tiêm vaccine”, Bollinger nói.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhận định điều này khó đạt được ở Mỹ, khi nhiều người đã quá mệt mỏi với đeo khẩu trang và rất nhiều người vẫn ngần ngại, thậm chí bài xích vaccine.