Bất chấp những động thái cạnh tranh, Trung Quốc được cho là không muốn thêm căng thẳng với Mỹ, khi ông Tập hướng đến các vấn đề trong nước.
Quan hệ Mỹ – Trung trong nửa sau của tháng 9 chứng kiến một số biến động lớn. Ngày 16/9, Mỹ, Anh và Australia bất ngờ công bố thỏa thuận AUKUS, giúp Canberra đóng 8 tàu ngầm hạt nhân, nỗ lực được cho là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.
Chỉ vài giờ sau, Bắc Kinh nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận thương mại quy mô lớn ban đầu được Mỹ đề ra để ứng phó Trung Quốc. Động thái này được cho là nhằm phát đi thông điệp tới Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không thể bị tẩy chay.
Tuần trước, nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng, củng cố hợp tác về phân phối vaccine, phát triển mạng 5G, các chuỗi cung ứng và lĩnh vực không gian. Tất cả được cho là đều nhằm đối đầu với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng những diễn biến trên cho thấy quan hệ Mỹ – Trung sẽ khó hạ nhiệt căng thẳng, ít nhất là bề ngoài. Tuy nhiên, bình luận viên Hiroyuki Akita của Nikkei cho rằng bên dưới vẻ ngoài đó, Bắc Kinh có những dấu hiệu không hoàn toàn theo đuổi lập trường cứng rắn và dường như cũng muốn tránh gia tăng căng thẳng.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 10/9 điện đàm 90 phút, đánh dấu cuộc trò chuyện đầu tiên trong khoảng 7 tháng. Ông chủ Nhà Trắng khi đó cho biết Washington sẽ tăng cường hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh các nước nên xây dựng một khuôn khổ để tránh đụng độ quân sự, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
Ông Tập đã bày tỏ phản đối chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng đồng ý thúc đẩy đối thoại song phương. Cuộc trò chuyện này được cho là không còn dữ dội như khi hai lãnh đạo điện đàm hồi tháng hai.
Lãnh đạo Mỹ – Trung đã biết nhau khoảng 10 năm, kể từ khi ông Biden còn là phó tổng thống Mỹ và ông Tập giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết trong cuộc điện đàm mới nhất, hai người đã đề cập tới những chuyến đi cùng nhau đến các thành phố ở Mỹ và Trung Quốc.
Bình luận viên Akita cho rằng xét đến tình hình trong nước, ông Tập không thể tiếp tục đối đầu toàn diện với Mỹ, bởi bất ổn sẽ xảy ra nếu nền kinh tế Trung Quốc bị tổn hại vì cuộc cạnh tranh này. “Trong thâm tâm, ông Tập muốn tránh đối đầu toàn diện với Mỹ”, cựu đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Yuji Miyamoto cho hay.
Miyamoto còn chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung”, tập trung giải quyết một loạt vấn đề xã hội trong nước, dường như không thể xử lý thêm những vấn đề phức tạp khác và giới chức Trung Quốc “cũng nhận thức được tình hình”.
Mặc dù còn lưỡng lự về việc tham vấn qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, quân đội Trung Quốc đã đồng ý đối thoại bằng cách tổ chức những cuộc thảo luận ở hậu trường với một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc vào cuối tháng trước.
Trong bài phát biểu qua video trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 21/9, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ không xây thêm nhà máy điện than ở nước ngoài, nhằm góp phần chống biến đổi khí hậu.
Giới quan sát cho rằng động thái này rõ ràng nhằm thu hút phản ứng tích cực từ Mỹ. Trong khi đó, Biden cũng nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng Mỹ “không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Ba ngày sau, giới chức Mỹ sắp xếp một thỏa thuận để trả tự do cho Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, người bị bắt tại Canada hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Bà Mạnh đã trở về Trung Quốc hôm 24/9 sau gần ba năm bị quản thúc tại gia.
Theo bình luận viên Akita, Mỹ – Trung đã mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh quyền lực quy mô lớn quá lâu, nên vấn đề không thể được giải quyết nhanh chóng. “Tuy nhiên, có thể căng thẳng sẽ dần dịu đi”, Akita kết luận.