Nếu trần nợ không được nâng hoặc đình chỉ tạm thời, Chính phủ Mỹ sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính hiện tại, đồng nghĩa với đối mặt khả năng vỡ nợ.
Hạ viện Mỹ ngày 29/9 phê chuẩn một dự luận nhằm đình chỉ trần nợ của Mỹ, trong bối cảnh Chính phủ nước này đối mặt nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu không có giải pháp sớm cho vấn đề.
Tuy nhiên, phe Cộng hoà đã thề sẽ nhấn chìm dự luật trên tại Thượng viện. Đảng này vốn chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm nâng trần nợ quốc gia, đồng thời thể hiện ý định buộc phe Dân chủ phải đánh đổi bằng những nhượng bộ trong các kế hoạch chi tiêu khổng lồ của Tổng thống Joe Biden cho phúc lợi xã hội và chống biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói với các nghị sỹ rằng Chính phủ Mỹ sẽ hết cách để chi trả các hoá đơn vào khoảng ngày 18/10. Nếu Quốc hội không nâng giới hạn vay nợ trước thời hạn đó, Chính phủ có nguy cơ rơi vào cảnh vỡ nợ, gây mất mát hàng triệu công việc, đứt đoạn các chương trình phúc lợi, và chao đảo thị trường tài chính.
Dự luật đình chỉ trần nợ được Hạ viện thông qua với 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Trong đó, gần như tất cả các phiếu thuận đến từ phe Dân chủ và gần như toàn bộ phiếu chống đến từ phe Cộng hoà.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, tuyên bố Hạ viện sẽ “hành động để thực thi trách nhiệm bảo vệ nền kinh tế Mỹ và các gia đình Mỹ khỏi thảm hoạ vỡ nợ, bắt cách thông qua một dự luật đình chỉ trần nợ quốc gia”.
Tuy nhiên, với khả năng cao là dự luật sẽ thất bại ở Thượng viện, hiện chưa rõ Đảng Dân chủ sẽ làm gì để ngăn nguy cơ Chính phủ vỡ nợ.
Các nghị sỹ Dân chủ đang cố gắng ngăn chặn hai rủi ro lớn.
Trước hết, họ sẽ phải thông qua một dự luật về cấp ngân sách bổ sung cho Chính phủ trước nửa đêm ngày thứ Năm nhằm ngăn việc Chính phủ phải đóng cửa vì hết tiền. Một dự luật ngân sách ngắn hạn sẽ cấp vốn cho Chính phủ Mỹ đến đầu tháng 12. Dự luật này dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi chuyển tới Hạ viện.
Tiếp đó là vấn đề trần nợ quốc gia. Sự phản đối của phe Cộng hoà có thể ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào của Đảng Dân chủ. Đến thời điểm hiện tại, phe Cộng hoà đã phá hỏng hai dự luật của phe Dân chủ trong vấn đề này. Hôm thứ Hai, Đảng Cộng hoà đã chặn một dự luật cấp vốn cho Chính phủ đến tháng 12 vì dự luật này bao gồm nội dung đình chỉ trần nợ quốc gia cho tới tháng 12/2022.
Các nghị sỹ Cộng hoà muốn phe Dân chủ phải nhượng bộ trong các vấn đề về thuế và chi tiêu trong các dự luật chi tiêu khổng lồ mà chính quyền ông Biden khởi xướng, nhất là dự luật đầu tư hạ tầng gần 1 nghìn tỷ USD. Phe Cộng hoà tin rằng nếu Chính phủ vỡ nợ, Đảng Dân chủ sẽ hứng sự chỉ trích bởi họ là những người nắm cả Nhà Trắng và Quốc hội. Đây là một phần trong chiến lược của Đảng Cộng hoà để chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.
Nếu trần nợ không được nâng hoặc đình chỉ tạm thời, Chính phủ Mỹ sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính hiện tại, đồng nghĩa với đối mặt khả năng vỡ nợ.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, từ năm 1960 đến nay, Quốc hội nước này đã nâng hoặc đình chỉ trần nợ 78 lần, mà lần gần đây nhất là vào năm 2019. Những lần Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ thường không đi kèm với nhiều kịch tính, nhưng cuộc chiến về trần nợ và thâm hụt ngân sách vào năm 2011 đã dẫn tới việc tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử.