Bác sĩ Trương Hữu Khanh đề xuất xây dựng cơ chế để người đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19 trở lại cuộc sống “bình thường mới”, tham gia sản xuất, kinh doanh, đi lại.
Đến hết ngày 4/9, cả nước có 21 triệu người được tiêm vaccine Covid-19, trong đó gần 18 triệu người tiêm mũi một; 3 triệu người đủ hai mũi. Việt Nam đang trên lộ trình hướng đến mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số (từ 18 tuổi), đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
TP HCM có tỷ lệ tiêm cao nhất cả nước với 6,1 triệu người (88%); Hà Nội đã tiêm cho 3 triệu người (53%); Bình Dương tiêm một triệu người (58%). Đây là các thành phố lớn hoặc tập trung nhiều khu công nghiệp, mật độ dân số đông, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, cho rằng nhà chức trách cần sớm xây dựng cơ chế, hướng dẫn cụ thể để những người đã tiêm vaccine tham gia sản xuất, kinh doanh, trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Theo ông, bốn nhóm cần được xem xét gồm: người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi; người tiêm đủ hai mũi vaccine; người tiêm một mũi qua 14 ngày; các gia đình trẻ. Bởi người đã khỏi bệnh sẽ không nhiễm lại nữa, người tiêm đủ hai mũi vaccine nếu bị nhiễm sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Người mới tiêm một mũi vaccine ít có nguy cơ bệnh nặng. Các gia đình trẻ nếu bị nhiễm cũng sẽ bệnh nhẹ, ít chuyển nặng.
Những người này trở lại cuộc sống bình thường mới cũng là cách để duy trì nguồn lực chống dịch và sống chung lâu dài với Covid-19. “Nếu chờ đến khi tiêm đủ tối thiểu 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng mới tính đến việc mở cửa sẽ rất lâu. Trong khi ngay lúc này, chúng ta cần phục hồi, duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”, ông Khanh nói.
Ông đánh giá khi chống dịch, các địa phương đã linh hoạt phong tỏa từng phần thì bây giờ tỷ lệ vaccine bao phủ đến đâu cũng cần mở cửa từng phần trở lại đến đó. Qua gần hai năm chống dịch, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh linh hoạt nên cần tính đến bài toán đảm bảo cân bằng giữa chống dịch và kinh tế.
Người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm Covid-19 và lây cho người tiếp xúc gần. Vì vậy, theo ông, các cơ chế, chính sách phải xem xét cụ thể từng nơi, khu vực được phép hoạt động. Chẳng hạn, họ được đến những nơi không có người già, mắc bệnh nền. “Nghĩa là các hướng dẫn phải tính toán cụ thể những nơi được đến, tham gia hoạt động, để không may họ bị nhiễm virus, lây cho người khác ở khu vực đó thì cũng không gây nguy hiểm”, bác sĩ Khanh nói.
Ông dẫn chứng, TP HCM đã đạt độ bao phủ mũi một vaccine gần hết dân số (trên 18 tuổi) thì có thể mở cửa dần trở lại. Tương tự, các nơi khác, nếu đã bao phủ được vaccine diện rộng cũng nên cân nhắc. “Có thể ban đầu quy mô nhỏ nhưng tinh thần là tận dụng tối đa cơ hội, vaccine phủ đến đâu mở cửa đến đó. Khi nhiều nơi mở cửa, chúng ta có thể hình thành các chuỗi liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng, cho đến khi cả nước đạt miễn dịch cộng đồng”.
PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng việc cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vaccine trở lại sản xuất, kinh doanh “cần phải làm ngay”. Bởi bên cạnh chống dịch, nhiệm vụ “đảm bảo không đứt gãy nền kinh tế, chuỗi cung ứng cũng rất quan trọng”.
Ông lưu ý để đảm bảo an toàn, những người đã tiêm vaccine vẫn phải tuân thủ 5K khi trở lại cuộc sống bình thường mới. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng.
Ở khía cạnh khác, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp cộng đồng (Bộ Y tế) cho rằng, người tiêm đủ liều vẫn cần tuân thủ chủ trương chung về cách ly, giãn cách hay phong tỏa, thực hiện 5K. Việc tiêm đủ liều vaccine sẽ bảo vệ cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện và tử vong. Nhưng người này vẫn có thể bị nhiễm, là nguồn lây cho người khác. Khi cả nước chưa đạt miễn dịch cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm theo cách này là điều “đáng lo ngại”.
Nghiên cứu mới đây của CDC Mỹ cho thấy, nồng độ virus của một số người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm cao như nhau nghĩa là khả năng lây là như nhau. “Để đạt hiệu quả phòng bệnh cho cộng đồng thì ít nhất 70% dân số được tiêm chủng”, ông Phu giải thích.
Theo ông, các tỉnh, thành phố hoặc khu vực nếu đạt miễn dịch cộng đồng nên có quy định riêng để người đã tiêm được trở lại cuộc sống bình thường mới. Đơn cử, TP HCM hoặc Hà Nội… khi đã tiêm đủ hai mũi cho tất cả người dân nên xây dựng quy định về đi lại, sản xuất, kinh doanh… không chỉ cho người dân mà cho cả người đã tiêm vaccine từ nơi khác đến. Nhà chức trách cũng cần có quy định về người từ nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao đến nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho người chưa tiêm.
“Hiện tỷ lệ tiêm chủng cả nước cũng như các địa phương còn thấp, mới chỉ đạt miễn dịch bảo vệ cá nhân được tiêm, chứ chưa tạo được miễn dịch cộng đồng. Nếu mở cửa, chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng tránh việc những người đã tiêm nhưng nhiễm virus rồi lây lan cho người chưa tiêm dẫn đến mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao”, ông Phu nêu quan điểm.