Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/9 có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 2.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành người đứng đầu Nhà Trắng vào tháng 1 năm nay và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Tổng thống Biden nhấn mạnh lợi ích lâu bền của nước Mỹ trong hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và trên thế giới khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về trách nhiệm của cả hai nước trong việc đảm bảo rằng cạnh tranh sẽ không đi trệch hướng thành xung đột”, một tuyên bố của Nhà Trắng vào buổi sáng ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ cho hay.
Ngay sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng xác nhận cuộc gọi của ông Tập và ông Biden, cho biết ông Tập nói rằng “trên cơ sở tôn trọng những vấn đề cốt lõi của mỗi bên và quản lý tốt các khác biệt”, các cơ quan hữu quan của mỗi nước có thể tương tác để thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực khí hậu, chống Covid, phục hồi kinh tế, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.
Ông Tập cũng nói nếu xảy ra “đối đầu” giữa Trung Quốc và Mỹ, “cả hai nước và thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả”, trong khi tất cả sẽ cùng có lợi nếu hai nước hành động cùng nhau.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đề cập đến những nội dung mà ông Biden đưa ra trong cuộc điện đàm, bao gồm lời của nhà lãnh đạo Mỹ rằng: “Hai nước không có lý do gì để rơi vào một cuộc xung đột chỉ vì cạnh tranh”.
Cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập diễn ra ngay trước thềm Tết Nguyên đán của Trung Quốc hồi tháng 2. Ông Biden sau đó tiết lộ rằng cuộc gọi kéo dài 2 giờ đồng hồ.
Cuộc gọi ngày 10/9 giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài khoảng 90 phút, thảo luận về một loạt vấn đề quốc tế và nội dung kinh tế, nhưng khía cạnh kinh tế của chính sách Mỹ-Trung vẫn đang trong quá trình rà soát – hãng tin Reuters dẫn nguồn tin là một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ cho hay. Nguồn tin cũng nói rằng hai nhà lãnh đạo trao đổi trung thực và thẳng thắn trong cuộc điện đàm này.
Theo hãng tin CNBC, chiến lược của ông Biden nhằm ứng phó với Trung Quốc tập trung vào tập hợp sự đoàn kết các đồng minh truyền thống của Mỹ. Cách làm này trái ngược với phong cách hành động riêng lẻ của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump – người đã mạnh tay áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc và trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc để giải quyết những cáo buộc bấy lâu về quyền tiếp cận thị trường không bình đẳng và sự ép buộc chuyển giao công nghệ.
Bức tranh địa chính trị đã trở nên phức tạp hơn trong mùa hè năm nay, sau khi Mỹ rút quân đội khỏi Afghanistan và phiến quân Taliban nổi lên tại khu vực gần với Trung Quốc. Ngoài ra, trong những tháng gần đây, cả Washington và Bắc Kinh đều gia tăng nỗ lực phát triển quan hệ chính trị và và kinh tế với các đối tác khu vực.
Ngày 9/9, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới (BRICS, gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ), ông Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ chủ trì thượng đỉnh BRICS vào năm tới và mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các nước thành viên trong nhóm. Năm nay, thượng đỉnh BRICS do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì.
Sắp tới sẽ diễn một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp gồm lãnh đạo 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – được gọi là nhóm “Bộ tứ”. Theo một số nguồn tin, cuộc gặp có thể diễn ra ngay trong tháng 9 này.