Chiến dịch tiêm chủng của CHDC Congo gặp nhiều thách thức vì người dân quan niệm Covid-19 “chỉ giết người da trắng”.
Hai bác sĩ Christian Mayala và Rodin Nzembuni Nduku ngồi cạnh nhau trên ghế băng ngoài khu vực tiêm chủng ở bệnh viện Mama Yemo, thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Họ thảo luận về tình trạng sức khỏe của bố, ông Noel Kaouda, người nhiễm nCoV vài tuần trước và đang nằm trên giường bệnh thở oxy.
Hai anh em đều là bác sĩ, vaccine Covid-19 có sẵn ở thủ đô, nhưng cả ba người đàn ông đều không lựa chọn tiêm chủng vì e ngại tác dụng phụ của loại vaccine duy nhất hiện có là AstraZeneca.
“Trên mạng xã hội đang xôn xao chuyện một nam thanh niên chết sau tiêm vaccine 20 tiếng. Những câu chuyện thế này khiến tôi rất sợ tiêm”,
Đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine và thách thức hậu cần trong cung cấp vaccine cho người dân khu vực xa xôi hẻo lánh, các chuyên gia lo ngại sự thiếu tin tưởng vào vaccine sẽ làm suy yếu thêm cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19.
Trong khi ngày càng nhiều lời chỉ trích trước việc nước giàu không cung cấp đủ vaccine cho nước nghèo hơn, các chuyên gia cảnh báo việc người dân chần chừ tiêm vaccine đang bị bỏ qua.
“Nếu người dân DRC vẫn chưa tiêm chủng thì biến chủng Nam Phi có thể kết hợp với biến chủng Delta phát triển đột biến mới kháng vaccine”, giáo sư Pascal Lutumba, khoa truyền nhiễm, Đai học Kinhasa, nói.
“Nếu biến chủng mới xuất hiện ở DRC lan tới quốc gia như Anh, nơi tỷ lệ tiêm chủng cao, thì nó có thể đưa nước Anh trở lại vị trí khi đại dịch bắt đầu. Họ sẽ phải tiêm chủng một loại vaccine mới”, Lutumba nói.
“Chúng ta sẽ quay lại điểm khởi đầu”, tiến sĩ William Schaffner, giáo sư Đại học Vanderbilt ở Nashville, Mỹ, nói.
Biến chủng Delta chiếm 79% số ca nhiễm ở DRC, theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng trước. Quốc gia này ghi nhận 50.529 ca nhiễm và 1.045 ca tử vong liên quan Covid-19 tính đến 4/8, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins Mỹ. Virus đã tấn công vào tầng lớp tinh hoa của DRC. Hồi tháng 5, phó chủ tịch quốc hội DRC cho hay đại dịch đã giết chết 32 nghị sĩ, chiếm 5% tổng số nghị sĩ của DRC.
Tổng thống DRC Félix Tshisekedi tháng trước bày tỏ hoài nghi về vaccine, thừa nhận mình vẫn chưa tiêm. “Chúng tôi sẵn sàng khởi động chiến dịch tiêm chủng. Ngày trước tôi xem thông tin gây hiểu lầm trên tivi, rồi đến mạng xã hội”, Tshisekedi nói.
DRC mới nhận được AstraZeneca nhưng theo bác sĩ Jean-Jacques Muyembe-Tamfum, người đứng đầu nhóm chuyên trách chống Covid-19 của DRC, các loại vaccine mới dự kiến về trong tháng này, bao gồm nhiều nhãn hiệu khác nhau mà cả Muyembe-Tamfum và Tổng thống đều cam kết sẽ tiêm.
“Tổng thống nói rằng ông không tin tưởng AstraZeneca nên tôi cũng nghi ngờ nó. Tôi sẽ chết vì lo lắng nếu tiêm loại vaccine này vì cách Tổng thống mô tả nó. Tôi lo mình có thể chết”, Nduku nói.
DRC hôm 2/3 nhận được 1,7 triệu liều vaccine từ Covax, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu, nhưng hoãn triển khai tới tháng 4 sau khi một số quốc gia châu Âu đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca vì gây biến chứng đông máu hiếm gặp. Khoảng 75% số mũi tiêm đã được chuyển tới các nước châu Phi khác để sử dụng trước khi hết hạn. Chiến dịch từ đó triển khai rất chậm.
Vận chuyển vaccine tại một đất nước rộng lớn, nhiều rừng rậm, chia cắt bởi các con sông lớn và cơ sở hạ tầng nghèo nàn là một thách thức. DRC có diện tích gần bằng Tây Âu nhưng chưa đường nhựa chưa đến 3.000 km, chỉ gần bằng 1% tổng số diện tích đường nhựa ở Anh.
Khảo sát của Liên minh châu Phi từ tháng 8 tới tháng 12 năm ngoái về mức độ sẵn sàng tiêm vaccine ở DRC thấp nhất trong số 15 quốc gia, với 38% người được khảo sát ở DRC bày tỏ không muốn tiêm vaccine, còn tại Ethiopia chỉ là 4%.
Hơn 70% nhân viên y tế DRC bày tỏ sẽ không tiêm chủng, theo một nghiên cứu do tạp chí Vaccine công bố hồi tháng 2. Thất bại trong tuyên truyền kiến thức y tế từng gây hậu quả nặng nề ở DRC. Đợt bùng phát Ebola ở miền đông đất nước năm 2018 khiến hơn 2.200 người tử vong, do các cơ quan cứu trợ quốc tế và cơ quan y tế không truyền thông hiệu quả với người dân và cộng đồng để đào tạo nhân viên y tế đúng cách và giải thích bằng ngôn ngữ địa phương, theo Ngân hàng Thế giới.
“Người dân nhận đủ loại thông tin từ nhà thờ, như Covid-19 được tạo ra để xóa sổ người châu Phi. Các nhà thờ nhỏ tuyên truyền nhiều tin tức không đúng về Covid-19”, bác sĩ Cris Kacita Osako, nhà dịch tễ học làm việc với nhóm chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ năm ngoái, cho hay.
“Người ta không tin có Covid-19”, bác sĩ Jean-Paul Nsimba ở bệnh viện Mama Yemo nói. “Họ chống đối, họ nghi ngờ sự tồn tại của nó. Họ cho rằng đó là căn bệnh chỉ giết người da trắng”.