Những điều cần biết Covid

1,5 triệu trẻ em mất cha mẹ vì COVID

Trong 14 tháng đầu của đại dịch, ước tính có khoảng 1,5 triệu trẻ em trên toàn thế giới mất cha mẹ, ông bà nuôi dưỡng, hay những người giám hộ chăm sóc vì COVID-19, theo một cuộc nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet ngày 20/7. Con số này dựa trên dữ liệu tử vong từ 21 nước chiếm 77% số người chết vì COVID-19 trên toàn cầu và từ Ban Dân số của Liên hiệp quốc……

“Cứ hai trường hợp tử vong trên thế giới thì có một đứa trẻ bị đối mặt với cái chết của cha mẹ hay người chăm sóc,” bác sĩ Susan Hillist thuộc Toán Đáp ứng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Số trẻ mồ côi vì COVID-19 sẽ gia tăng trong lúc đại dịch tiến triển, bà nói thêm. Cần cấp bách ưu tiên cho những trẻ em này và “hỗ trợ cho các em nhiều năm trong tương lai,” bà Hillis kêu gọi. Đồng tác giả cuộc nghiên cứu, Lucie Cluver, thuộc Đại học Oxford cho biết: “Chúng ta cần đáp ứng nhanh vì cứ mỗi 12 giây là có một trẻ em bị mất người chăm sóc vì COVID-19.”

Con đường đi vào não của virus corona

Các nhà nghiên cứu phát hiện một con đường khả dĩ để virus corona đi vào não bộ con người và điều này có thể giúp giải thích về ảnh hưởng của COVID-19 lên não và hệ thần kinh của nhiều bệnh nhân. Cho đến nay không có bằng chứng cho thấy virus ảnh hưởng trực tiếp lên các tế bào thần kinh-tế bào não nhận và gởi tín hiệu tới lui trong cơ thể.

Trong một cuộc nghiên cứu mới, thí nghiệm với một số tế bào được nuôi cấy nhân tạo giống với não bộ, các nhà nghiên cứu phát hiện là tế bào thần kinh dường như “không cho virus corona xuyên qua”, ông Joseph Gleeson, Đại học California, San Diego, nói. Tuy nhiên đối với những tế bào gọi là pericytes vốn bao quanh mạch máu và mang theo lớp protein bề mặt mà virus dùng để xâm nhập, lại là một câu chuyện khác.

Khi các nhà nghiên cứu đưa pericyte vào não bộ nhân tạo và sau đó đưa virus vào thì phát hiện một sự lây nhiễm mạnh, không chỉ pericyte mà cả các tế bào thần kinh cũng bị nhiễm virus, ông Gleeson nói. Phúc trình được đăng trong tạp chí Nature Medicine cho thấy các pericyte này như là “những xưởng sản xuất” của virus, từ đó virus có thể nhân lên. Phát hiện này, ông Gleeson nói, cho thấy “pericyte có thể trở thành một điểm xâm nhập của SARS-CoV-2,” có thể đưa tới sự gia tăng virus cục bộ hay làm viêm mạch máu có thể gây nên đột quỵ.

Chưa cần vaccine tăng cường

Hai liều vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech hay Moderna hữu hiệu trong việc trung lập hóa biến thể Delta, cho thấy có thể không phải cần tới những liều tiêm tăng cường tức thì, các nhà nghiên cứu nói. Họ không đo lường khả năng bảo vệ của vaccine trong thế giới thực tại, mà trong những cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Họ dùng mẫu máu của những tình nguyện viên đã được chính ngừa. Đột biến của biến thể Delta chỉ làm sụt giảm chút đỉnh các kháng thể có thể trung lập virus, các nhà nghiên cứu báo cáo ngày 18/7 trong một bài báo được đưa lên medRxiv, trước khi được đồng nghiệp phối kiểm chéo.

Vaccine tăng cường có thể cần trong tương lai để giúp vượt qua một số biến thể, đồng tác giả Akiko Iwasaki thuộc Đại học Yale nói trên Twitter ngày 20/7. Nhóm nghiên cứu của bà cũng phát hiện rằng nhìn chung, mức kháng thể trung hoà sau khi tiêm chủng nơi các bệnh nhân đã hồi phục từ COVID cao hơn những người được tiêm vaccine mà không bị nhiễm COVID.

“Chuyện này không có gì ngạc nhiên,” bà Iwasaki nói với Reuters, “vì sau khi bị nhiễm con người sẽ tự tạo ra đáp ứng miễn nhiễm, và đáp ứng miễn nhiễm này càng được tăng cường khi tiêm hai liều vaccine.”

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận