Ba cặp đôi tới Tam Á, đảo Hải Nam du lịch và chơi trò ‘đổi vợ, đổi chồng’ đến ngày thứ 3 bị công an bắt.
Anh Chu và cô Ngưu, ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây đã kết hôn 17 năm, có chức tước và thu nhập tốt. Đứa con duy nhất đã học đại học và cặp đôi không có sở thích chung nên cuộc sống vợ chồng vô cùng tẻ nhạt. Tình cờ, anh Chu tham gia vào nhóm “Vợ chồng kết bạn cùng nhau du lịch” trên mạng xã hội.
Ý định ban đầu của Chu là đưa vợ đi du lịch để đổi gió cho cuộc hôn nhân nhàm chán. Sau khi tham gia, anh nhận ra rằng các cặp đôi trong nhóm đều có mục đích khác là tạo cơ hội để chơi trò đổi vợ, đổi chồng.
Trong chuyến du lịch hồi cuối tháng 5, họ đi cùng hai cặp vợ chồng khác cùng tầm tuổi 40, đến Tam Á. Tại đây, ban ngày họ đi tham quan, đến đêm lại thay phiên nhau đổi vợ, đổi chồng. Sang ngày thứ ba, cảnh sát bất ngờ ập tới kiểm tra.
Khi bị đưa lên đồn, cả 6 người khẳng định rằng hành vi của họ không thể cấu thành tội phạm. Tại phiên tòa diễn ra mới đây, họ đều bị tuyên phạt một năm tù giam với tội danh “Tụ tập gian dâm”.
Theo Luật Hình sự Trung Quốc, tội gian dâm được định ra nhằm gìn giữ thuần phong mỹ tục và những giá trị cốt lõi của gia đình.
Đây không phải vụ việc “đổi vợ đổi chồng” đầu tiên được đưa ra tòa án ở Trung Quốc. Năm 2010, Mã Hiểu Hải, Phó giáo sư Đại học Nam Kinh – bị kết tội trước Tòa án Tần Hoài, thành phố Nam Kinh vì tội danh “Tổ chức dâm loạn tập thể” 35 lần từ giữa năm 2007 đến tháng 8/2009.
Từ năm 2007, bị ảnh hưởng bởi trào lưu “đổi vợ” đang thịnh hành ở nước ngoài, Mã đã lập riêng một nhóm chat để liên lạc với những người cùng sở thích khắp nơi. Trong số những người tham gia, có nhiều bà nội trợ, giáo sư đại học và cả doanh nhân. Mã Hiểu Hải với tư cách người chủ trì đã đưa ra 3 nguyên tắc cho nhóm chơi: Không tổ chức tụ tập gặp ngoài; Ai đưa hình chụp cảnh cả nhóm đang chơi tập thể lên mạng sẽ loại trừ ra khỏi nhóm; Không bàn chuyện chính trị. Nội dung trò chuyện và quan tâm của nhóm chỉ là kiến thức tình dục.
Trò chơi “đổi vợ, đổi chồng” để quan hệ tình dục tự do được Mã Hiểu Hải khởi xướng đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong xã hội Trung Quốc thời điểm đó bởi trái luân thường đạo lý, vi phạm pháp luật và các quy tắc xã hội, đặc biệt tác động tiêu cực khi thủ phạm lại đứng trên bục giảng. Mã sau đó bị kết án 3,5 năm tù giam.
Trước tòa, Mã vẫn biện hộ rằng, hoạt động “đổi vợ, đổi chồng” dựa trên sự đồng thuận của cả hai, và là một kiểu tự do cá nhân.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trực tuyến về chủ đề này của Phoenix.com cho thấy 36,6% người dùng mạng Trung Quốc cho biết họ không chấp nhận nổi hành vi hoán đổi bạn đời. Số còn lại đồng ý hoặc từ chối bày tỏ quan điểm.
“Thật khó tin khi có người trao đổi vợ của họ với người khác. Tôi không biết những người này nghĩ gì. Thật kỳ quặc và khó hiểu”, một người dùng mạng chia sẻ quan điểm, trong khi người khác đánh giá: “Tôi tôn trọng sự lựa chọn của người khác, nhưng tôi không thể chấp nhận. Đó là biểu hiện của sự méo mó, dị dạng về tâm lý”.
Giáo sư Lý Chuẩn, Tiến sĩ Đạo đức học của Đại học Trung Sơn cho hay, cái giá phải trả cho những cuộc “đổi vợ, đổi chồng” rất tai hại, có thể làm lây bệnh qua đường tình dục, sinh con ngoài giá thú và gây mất ổn định xã hội.
“Các quan niệm truyền thống về gia đình, đạo đức và hôn nhân bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến gia tăng tỷ lệ ly hôn và các gia đình đơn thân”, ông Lý nói.