Nạn săn cây quý bán cho nhà giàu bùng lên trong đại dịch

Tình trạng phong toả, cách ly khiến người giàu ở nhiều nước muốn sưu tầm cây quý giải khuây, còn người nghèo mất thu nhập ở châu Phi đào trộm cây hoang dã quý hiếm đem bán.

Thị trường cây cảnh hoang dã quý hiếm bùng nổ trong năm 202 khi hàng trăm triệu người toàn thế giới mắc kẹt ở nhà do Covid-19. Họ phát sinh nhu cầu cực lớn để giải khuây bằng vật nuôi và cây cảnh. Một số nhà bán lẻ cây cảnh ở Anh cho biết, doanh số bán hàng của họ đã tăng tới 500% kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Trong khi cơn sốt cây hiếm bùng lên ở các nước giàu, những loại cây hoang dã hàng trăm năm tuổi ở châu Phi đang bị dân địa phương đào trộm để bán vì nhiều người trong số họ đã mất việc làm trong suốt thời gian phong toả.

Nhà thực vật học Cornelia Klak, Đại học Cape Town, Nam Phi, cho biết, nhiều người dân Nam Phi và Kenya đang bị tội phạm nước ngoài lợi dụng để đào trộm và đem bán hàng trăm loài cây quý hiếm của châu Phi nhằm cung cấp cho nhu cầu ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

“Họ đang quét sạch các quần thể, bao gồm tất cả những cây hàng trăm năm tuổi. Đây là thảm kịch tàn phá tự nhiên”, ông nói.

Các loài thực vật quý hiếm ở các nước châu Phi đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên vì nạn săn trộm bất hợp pháp. Ảnh: Julian Parsons/Telegraph
Các loài thực vật quý hiếm ở các nước châu Phi đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên vì nạn săn trộm bất hợp pháp. Ảnh: Julian Parsons/Telegraph

Nhà chức trách cho biết, những kẻ buôn lậu cây hiếm chủ yếu từ châu Á, tìm kiếm các địa điểm trồng cây quý hiếm trên lục địa trước khi trả cho người dân địa phương mức lương thấp để đào chúng. “Hàng” được vận chuyển đến châu Á và đưa vào thị trường quốc tế.

Thị trường cây cảnh hiếm ở châu Phi béo bở đến nỗi, những kẻ buôn lậu này đôi khi thuê cả máy bay trực thăng để tìm các loài quý hiếm hơn trên sườn núi khó tiếp cận.

Loại cây được săn lùng ráo riết nhất là xương rồng hiếm và cây ăn thịt vì chúng thích nghi để tồn tại với khô hạn, trở thành cây trồng trong nhà hoàn hảo.

“Khi xem qua danh mục cây cảnh nguồn gốc quốc tế ở các cửa hàng lớn ở châu Âu, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều loài thực vật của Kenya. Chúng được ngụy trang thành các loại rau và được đưa ra khỏi đất nước”, nhà thực vật học Emily Wabuyele của Đại học Kenyatta, Kenya cho biết.

Ở Nam Phi, nơi sinh sống của khoảng một phần ba số loài cây mọng nước trên thế giới, từ đầu đại dịch đã ghi nhận hàng chục nghìn vụ đào trộm cây hoang dã quý hiếm. Nhà chức trách nước này đang siết chặt tuần tra kiểm soát để ngăn chặn các tổn thương “không thể phục hồi” với đa dạng sinh học nước mình.

Đầu năm nay, một tòa án ở thủ đô Cape Town, Nam Phi đã tuyên phạt hai người Hàn Quốc 250.000 bảng Anh và 6 năm tù treo vì tàng trữ bất hợp pháp 60.000 cây Conophytum, một loài xương rồng có hoa có nguồn gốc từ miền tây Nam Phi và Namibia. Ở Nam Phi, buôn bán thực vật hoang dã đồng nghĩa với tội phạm có tổ chức và tính theo khối lượng, thực vật còn có thể có giá trị hơn ma túy.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận