Tại cuộc họp đầu tiên của Liên Hợp Quốc về an ninh trên biển ngày 9/8, Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi gay gắt về tình hình Biển Đông, trong khi các quốc gia khác đưa ra một số đề xuất nhằm giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng trên biển.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (9/8) lần đầu tiên tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh trên biển, với sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Với chủ đề “Tăng cường an ninh trên biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, các nước đã nhấn mạnh những mối đe dọa an ninh trên biển gia tăng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết thách thức này.
Tại hội nghị, các nước cho rằng mặc dù lưu lượng giao thông hàng hải giảm tổng thể do đại dịch Covid-19, nhưng cướp biển và cướp có vũ trang trên tàu đã tăng gần 20% trong nửa đầu năm ngoái. Phó Tổng thống thư ký Liên Hợp Quốc Maria Luiza Ribeiro Viotti nhấn mạnh những lo ngại với các vấn đề an ninh trên biển ở châu Á, trong khi khu vực Tây Phi, Eo biển Malacca và Biển Đông là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bà Maria Luiza Ribeiro Viotti cũng nhấn mạnh những vấn đề an ninh trên biển đáng lo ngại ở Vịnh Guinea và gần đây là ở Vịnh Ba Tư và Biển Arab.
“An ninh hàng hải đang bị ảnh hưởng ở mức báo động. Từ những thách thức liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các tuyến hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế, đến vấn đề khai thác tài nguyên, bao gồm đánh bắt cá bất hợp pháp và không được kiểm soát. Các tội phạm trên biển cũng sử dụng nhiều hình thức như sử dụng mìn và máy bay không người lái”.
Mỹ và Trung Quốc cũng đã có cuộc khẩu chiến về vấn đề Biển Đông tại phiên họp. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích các hành động bắt nạt ở khu vực Biển Đông và cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng một cuộc xung đột sẽ có các hậu quả toàn cầu nghiêm trọng đối với an ninh và thương mại.
“Đây là trách nhiệm của mọi quốc gia thành viên trong việc bảo vệ các quy tắc mà tất cả chúng ta đã nhất trí tuân theo và giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình. Nếu một quốc gia không phải đối mặt với các hậu quả khi phớt lờ các quy định hàng hải, điều này sẽ làm tăng sự không bị trừng phạt và bất ổn ở mọi nơi”, ông Blinken nói.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Dai Bing cáo buộc, Mỹ “khuấy” lên vấn đề một cách vô cớ, tùy tiện cử máy bay và tàu quân sự hiện đại tới Biển Đông như một hành động khiêu khích và công khai tìm cách gây bất đồng giữa các nước trong khu vực.
Trước mối đe dọa càng gia tăng, các nước cho rằng không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết các khía cạnh đa dạng của an ninh hàng hải. Đã đến lúc cần có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn để đối phó với các thách thức.
Bà Ghada Fathi Waly, Giám đốc điều hành Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm và ma túy khẳng định: “Các thách thức đối với an ninh hàng hải tiếp tục gia tăng và chúng ta cần phải có phản ứng. Để đảm bảo an ninh cho các vùng biển, cần những nỗ lực quốc tế có sự phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết thách thức và giảm thiểu nguy cơ tại những khu vực dễ bị tổn thương”.
Lãnh đạo cấp cao và đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các tổ chức Liên Hợp Quốc cũng nhất trí rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, phát huy các sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm tăng cường an ninh biển. Tại hội nghị các nước cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể để giảm các mối lo ngại an ninh gia tăng trên biển.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nước chủ trì hội nghị đã đưa ra đề xuất 5 điểm: “Thứ nhất là dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại hàng hải. Thứ hai cần giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ ba, các quốc gia cùng nhau giải quyết các mối đe dọa bắt nguồn từ các thực thể phi nhà nước và thảm họa thiên nhiên. Thứ tư, cần bảo tồn môi trường và các tài nguyên biển, đồng thời nêu bật tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa và tràn dầu. Thứ năm, kết nối có trách nhiệm và cần phải có một cấu trúc để thúc đẩy thương mại biển, với việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu”.
Tại sự kiện này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đề xuất lập một cơ chế đặc biệt trong Liên Hợp Quốc để đối phó với tội phạm hàng hải.