Gạo lứt hay các loại ngũ cốc nguyên hạt không tốt cho sức khỏe như bạn tưởng.
Gạo lứt được nhiều người ưa chuộng vì cho rằng chúng tốt cho sức khỏe, vì chứa nhiều chất xơ – loại chất dinh dưỡng làm giảm cholesterol, kiểm soát lượng đường trong máu và hỗ trợ tiêu hóa… Trong khi đó, gạo trắng đã loại bỏ cám và mầm trong quá trình sơ chế.
Đúng là gạo lứt chứa nhiều chất xơ hơn gạo trắng vì chưa qua tinh chế, nhưng chất xơ cũng được chia thành nhiều loại: hòa tan và không hòa tan.
Chất xơ hòa tan hấp thụ nước để làm mềm chất thải trong đường tiêu hóa, giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn. Loại chất này hỗ trợ lên men, tăng lợi khuẩn trong đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm, thậm chí là cải thiện cảm xúc.
Chất xơ không hòa tan không hấp thụ nước hoặc lên men. Nó cũng không hoàn toàn bị phân hủy nên có thể tạo thành khối cứng trong ruột. Hấp thụ lượng lớn có thể gây viêm, khó chịu, đầy hơi…
Gạo lứt chứa chất xơ không hòa tan, đó là lý do khiến tiến sĩ Liz Carter (ĐH Bastyr, Washington) cho rằng chúng gây hại cho đường ruột, nhưng gạo trắng thì không.
Carter nhận thấy loại gạo này khiến các bệnh nhân bà đang điều trị gặp phải các vấn đề về đường ruột. “Thay cho gạo lứt, bạn nên tập trung ăn các loại thực phẩm có chất xơ hòa tan để hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa”, cô nói.
Bên cạnh đó, axit phytic và asen (thạch tín) trong gạo lứt là hai lý do khiến người dùng nên từ bỏ loại gạo này. Trong gạo lứt có chứa axit phytic – được biết như một chất kháng dinh dưỡng, ngăn chặn khả năng hấp thụ các chất như sắt, kẽm và canxi vào cơ thể. Đáng chú ý, nạp một lượng lớn có thể dẫn đến sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
Gạo lứt cũng có hàm lượng asen cao hơn. Đây là một kim loại nặng, độc hại, tiêu thụ nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim và tiểu đường loại hai.
Nhiều người quan niệm “ăn bất cứ thứ gì trắng đã qua chế biến đều xấu”. Nhưng trong trường hợp này, gạo trắng giúp loại bỏ chất xơ gây viêm (hỗ trợ tiêu hóa dễ dàng), giảm lượng axit phytic và asen.
Tuy nhiên, gạo trắng lại có chỉ số đường huyết cao hơn so với gạo lứt, dễ làm tăng lượng đường trong máu. Các bệnh nhân tiểu đường type 2, tiền tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao, cần quản lý khẩu phẩn ăn có tinh bột như cơm trắng.
Từ xa xưa, người Ấn Độ và Trung Quốc đã chỉ ra gạo trắng là tinh bột hảo hạng, chúng dễ trồng, dễ chế biến và dễ tiêu hóa. Nên trước khi bỏ qua gạo trắng và chọn gạo lứt, hãy xét các yếu tố vừa đề cập để thấy: Cơm trắng có thể là thực phẩm bổ sung tốt nhất cho sức khỏe.