Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng kiểm soát Covid-19 là chìa khoá để kiểm soát lạm phát.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden nỗ lực ngăn đà leo thang của giá cả – nhân tố có thể kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế và cản trở các chính sách kinh tế của Nhà Trắng.
“Đại dịch là nhân tố chi phối lớn nhất đối với nền kinh tế và lạm phát”, bà Yellen nói trong chương trình Face the Nation. “Nếu chúng ta muốn lạm phát giảm, tôi cho rằng chúng ta cần có thêm bước tiến trong cuộc chiến chống đại dịch. Đó là việc quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm”.
CHÍNH QUYỀN ÔNG BIDEN LOAY HOAY CHỐNG LẠM PHÁT
Chống lạm phát đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của ê-kíp kinh tế trong chính quyền ông Biden. Tuần trước, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của nước này tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1990.
Bà Yellen nói rằng nhiều người lao động ở Mỹ vẫn thận trọng với nguy cơ nhiễm virus Sars-CoV2 ở nơi làm việc nên không muốn tìm kiếm việc làm vào lúc này, dẫn tới tình trạng khan hiếm lao động. Bà cũng nhấn mạnh sự dịch chuyển nhu cầu của người tiêu dùng sang mua hàng hoá nhiều hơn, thay vì sử dụng dịch vụ, trong thời gian giãn cách xã hội và sau đó, khiến nhu cầu hàng hoá tăng vọt.
Tuy nhiên, bà Yellen tin rằng giá của những mặt hàng như ô tô cũ và xăng dầu sẽ “hạ nhiệt” trong nửa sau của năm 2022, nếu Covid-19 được đưa về tầm kiểm soát. Hiện tại, giá xăng bán lẻ trung bình toàn quốc ở Mỹ đang ở vùng cao nhất 7 năm. Giá ô tô cũ ở nước này tăng 9,2% trong tháng 10 và tăng 38,1% trong 1 năm qua, do khan hiếm xe mới vì ngành sản xuất ô tô đang ở trong một cuộc khủng hoảng khan hiếm con chip.
Các quan chức kinh tế của chính quyền ông Biden đang tìm mọi cách để giải toả áp lực lạm phát. Họ đã vạch ra một số biện pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng, từ thiếu con chip cho tới tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển. Những nút thắt này chính là nguyên nhân đẩy giá cả không ngừng tăng lên. Tuần trước, đích thân ông Biden đã gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo các hãng bán lẻ lớn gồm Walmart và Target để bàn cách giảm sức ép giá cả.
Bà Yellen thừa nhận rằng việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc “sẽ mang lại một vài khác biệt” về lam phát. “Đúng là thuế quan có khuynh hướng khiến giá cả hàng hoá trong nước tăng lên”, bà phát biểu và cho biết thêm Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai đang “rà soát lại” thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tháng trước, văn phòng USTR khởi động cuộc đàm phán mà phía Washington gọi là cuộc trao đổi “thẳng thắn” với các quan chức thương mại từ Bắc Kinh, để bàn về thoả thuận giai đoạn 1 đạt được hồi năm 2020. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn giữ nguyên thuế quan mà ông Trump đánh vào hàng Trung Quốc.
TỶ LỆ ỦNG HỘ ÔNG BIDEN GIẢM SÂU VÌ LẠM PHÁT
Ngày 14/11, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Brian Deese lập luận rằng kế hoạch 1,75 nghìn tỷ USD của ông Biden về phúc lợi xã hội và chống biến đổi khí hậu sẽ giúp kiểm soát lạm phát thông qua hỗ trợ các hộ gia đình về nơi ở và chi phí trông trẻ, và chi phí của kế hoạch sẽ được bù đắp bằng cách tăng thuế đánh vào doanh nghiệp và người giàu.
“Lạm phát đang cao và ảnh hưởng đến tất cả người dân Mỹ, ví tiền của họ và triển vọng của họ”, ông Deese phát biểu.
Tuy nhiên, gói chi tiêu khổng lồ của ông Biden đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nghị sỹ Cộng hoà, những người cho rằng việc chi tiêu như vậy sẽ thổi bùng lạm phát. Kế hoạch này thậm chí còn bị phê phán bởi một nghị sỹ Dân chủ là ông Joe Manchin, nhân vật nắm giữ một lá phiếu chủ chốt trong Thượng viện Mỹ, người có cùng quan điểm với phe Cộng hoà rằng kế hoạch chi tiêu như vậy sẽ khiến áp lực lạm phát càng thêm lớn.
Phát biểu trên kênh ABC News, ông Deese nói ông tin tưởng gói chi tiêu của ông Biden sẽ được Hạ viện Mỹ thông quan trong tuần này và được chuyển tiếp lên Thượng viện.
Mối lo lạm phát là một trong những nguyên nhân kinh tế khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden lập đáy mới trong những cuộc khảo sát gần đây. Một cuộc thăm dò của The Washington Post/ABC được công bố ngày Chủ nhật cho thấy 70% người dân Mỹ có đánh giá tiêu cực về nền kinh tế, trong đó 38% cho rằng nền kinh tế nước này đang trong tình trạng “tồi tệ”. Khoảng một nửa người Mỹ đổ lỗi cho chính sách của ông Biden gây ra lạm phát cao.
Cuộc thăm dò này được xem là một tín hiệu xấu đối với Đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Theo kết quả thăm dò, nếu cuộc bầu cử diễn ra ở thời điểm hiện tại, 46% cử tri sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Cộng hoà trong cuộc đua vào Quốc hội, và chỉ 43% bỏ phiếu cho ứng viên của Đảng Dân chủ.
Mối lo lạm phát xảy đến vào một thời điểm chuyển giao quan trọng trong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Không chỉ chính sách tiền tệ của Fed đang dịch chuyển về phía bình thường hoá sau một thời kỳ siêu nới lỏng, mà ông Biden còn đang cân nhắc có giữ ông Jerome Powell ở ghế Chủ tịch Fed thêm một nhiệm kỳ nữa hay không. Nhiệm kỳ Chủ tịch Fed hiện tại của ông Powell sẽ hết hạn vào tháng 2/2022.
Phát biểu ngày 14/11, bà Yellen từ chối tiết lộ bà có ủng hộ ông Powell lãnh đạo Fed thêm một nhiệm kỳ nữa hay không.
“Tôi đã nói rằng tôi nghĩ Chủ tịch Powell đã làm rất tốt công việc điều hành Fed và giải quyết các vấn đề, đặc biệt là những vấn đề do đại dịch gây ra”, bà Yellen nói. “Nhưng điều quan trọng là Tổng thống Biden mới là người ra quyết định lựa chọn một nhân vật giàu kinh nghiệm và có uy tín, và có một loạt ứng viên như vậy”.