Nhiều người trẻ đã thành công khi kinh doanh ẩm thực Việt trên đất Mỹ. Từ cơm tấm đến phở, bún chả giò, gỏi cuốn… đều được giữ hương vị đặc trưng đã giúp thu hút đông đảo thực khách đến thưởng thức.
Tôn Thị Hồng Như đến từ Đắk Lắk đã có 8 năm sống ở New York và đã sở hữu 2 nhà hàng Việt tại Mỹ là Cơm Tấm Ninh Kiều và Banh Vietnamese Shop House. Đặc biệt, theo đánh giá của Michelin Guide nhà hàng cơm tấm của Hồng Như lọt top 5 nhà hàng Việt tốt nhất thành phố New York.
Mặc dù nằm giữa tâm bão Covid -19 nhưng nhà hàng của cô vẫn “sống tốt” trong suốt mùa dịch. Ảnh: Tôn Thị Hồng Như
Thông tin từ VnExpress, lúc sang Mỹ theo chương trình thực tập vào năm 2012, Như phải vay mượn khắp nơi để có đủ tiền mua vé máy bay và rời Việt Nam sang Mỹ khi trong túi chỉ còn 100 USD. Vì thế, cô phải làm nhiều việc để phục vụ cuộc sống. Khi đi làm phục vụ ở nhiều nhà hàng, quán ăn, Như nhận ra những món ăn Việt trên đất Mỹ rất hiếm, muốn ăn tìm cũng rất khó, nếu có thì vừa đắt, hương vị quê nhà cũng không còn nên nên cô quyết định mở quán ăn Việt. Sau 4 năm tích góp cô đã mua lại một nhà hàng Việt vắng khách để làm lại từ đầu.
“Cơm Tấm Ninh Kiều” của Như không chỉ có cơm tấm mà còn phở, bánh mì, bún bò Huế, bún chả giò, gỏi cuốn, đậu hũ ky… Chỉ sau chưa đầy 1 năm, từ một nhà hàng lẹt đẹt vài khách giờ đây doanh số tăng gấp nhiều lần, thực khách xếp hàng dài để chờ. Điều làm nhà hàng của Như thu hút thực khách là đồ ăn ngon, còn nguyên hương vị Việt, giá cả vừa tầm, trung bình mỗi khách sẽ chi 25-50 USD chưa bao gồm đồ uống.
Sau đó, Như mở thêm nhà hàng thứ hai Banh Vietnamese Shop House, vừa lúc đó, Covid-19 cũng ập đến khiến Như bị bất ngờ. Ban đầu phải đóng cửa nhà hàng nhưng sau đó thì cố gắng duy trì hoạt động vào 3 ngày cuối mỗi tuần để có tiền chi trả cho việc vận hành. May mắn mắn, thực phẩm luôn là nhu cầu thiết yếu nên sau khi thành phố mở cửa trở lại, hàng quán đã hồi sinh, khách lại tìm đến và lượng đơn mua về tăng nhiều lần.
Cô gái Việt bán phở bò Nam Định ở trời Âu, sau 2 năm thu về 3,4 triệu USD (khoảng 78 tỷ đồng)
Lucia Thảo Hương Simekova có bố là người gốc Hà Nội, mẹ là người Nam Định, lớn lên ở vùng ngoại ô thủ đô Slovakia. Cô là người sáng lập chuỗi nhà hàng PHOČKÁREŇ, có nghĩa là House of Pho – Ngôi nhà của Phở.
Thực đơn của nhà hàng cũng toàn những món đậm chất Việt, được nghiên cứu kĩ lưỡng về hương vị như: phở gà, phở bò, bún bò Nam bộ hay gỏi xoài, sau đó để đáp ứng nhu cầu của thực khách, nhà hàng còn mở rộng thêm các món như cơm rang, mì hay nem cuốn.
Để giữ được hương vị đúng chuẩn, nước lèo của nhà hàng Thảo Hương được ninh 10 tiếng, giữ đúng cách nấu truyền thống. Chuỗi cửa hàng của cô là nơi để người Việt tụ tập, gặp gỡ và thưởng thức món ăn quê nhà, nhân sự Việt cũng chiếm đến 2/3.
Quán phở ở Nhật của cô gái người Việt
Nguyễn Bảo Ngọc, sinh năm 1984, hiện sống tại TP Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Tại đây cô và chồng mở quán phở để vừa kiếm tiền, giúp người xa quê có bữa ăn ngon, vừa lan tỏa ẩm thực truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Để nấu tô phở thơm ngon, giữ lại hương vị đặc trưng, Ngọc nhập gia vị từ Việt Nam sang Nhật. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như giúp tô phở đúng vị cô không dùng phụ gia tạo mùi mà dùng gừng hành nướng, thảo quả, quế, hồi….nấu chung với nhau và nêm với nước mắm. Ngoài ra, cô còn bán món phở gà trộn tương tự như món mì lạnh của Nhật.
Hành trình đưa ẩm thực Việt ra với quốc tế đã và đang được Hồng Như, Lucia Thảo Hương Simekova hay vợ chồng Bảo Ngọc… miệt mài theo đuổi. Hy vọng với tình yêu ẩm thực lớn thì họ sẽ giúp người xa quê có được món ngon ấm lòng, bạn bè khắp nơi được thưởng thức ẩm thực của nước ta.