Mỹ đã có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao và khả năng miễn dịch tự nhiên gần như đủ để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta là một trong những lý do khiến Mỹ vuột mất “cơ hội vàng” này.
Bỏ lỡ cơ hội đạt miễn dịch cộng đồng
Tiêm mũi căng cường, sự xuất hiện của biến thể Delta và khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm là những dấu hiệu cho thấy sẽ không thể xóa sổ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.
Theo USA Today, Mỹ đã tiến gần đến khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng.
“Chúng ta có tỷ lệ tiêm chủng cao và khả năng miễn dịch tự nhiên về cơ bản gần như đã đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi ghi nhận chưa tới 10.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã khá ổn”, Tiến sĩ Eric Topol, giám đốc và là người sáng lập Viện Nghiên cứu Scripps, cho biết vào tháng 5/2020.
Sau đó, sự xuất hiện của biến thể Delta đã làm thay đổi tình hình đại dịch tại Mỹ.
Với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2, tỷ lệ tiêm chủng hiện tại của Mỹ là khoảng 65% đã đủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
“Đối với chủng virus ban đầu, chúng tôi có đủ tỷ lệ tiêm chủng để đại dịch sẽ chấm dứt tại Mỹ”, Joshua Schiffer, bác sĩ và chuyên gia lập mô hình toán học nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết.
Tuy nhiên, thật không may, biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh chóng đã áp đảo tại Mỹ. Các chuyên gia cho biết, sự xuất hiện của biến thể Delta khiến cần nhiều người có miễn dịch hơn, thông qua tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh trước đó.
“Hiện tại chúng ta cần 85-90% dân số tiêm vaccine Covid-19 để chống lại biến thể Delta”, ông Eric Topol nói.
Đây không phải là một con số bất khả thi. Ở Bồ Đào Nha, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hơn 80% tổng dân số đã được tiêm chủng và số ca mắc bệnh nặng và tử vong ở những quốc gia này đang giảm xuống.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng này dường như khó xảy ra ở Mỹ, nơi 55% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, nhưng 12% người dân kiên quyết không tiêm vaccine.
Stephen Kissler, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, cho biết, khả năng miễn dịch cộng đồng tại Mỹ đang nằm ngoài tầm với. “Tôi nghĩ sẽ khó đạt được miễn dịch cộng đồng”, ông Kissler nói.
Khả năng đạt miễn dịch cộng đồng
Miễn dịch cộng đồng là khi có đủ số người trong một khu vực cụ thể trở nên miễn dịch với virus. Khả năng miễn dịch có thể do việc tiêm vaccine hoặc do từng mắc bệnh.
Khái niệm này đã được báo chí đưa tin rất nhiều ngay từ đầu đại dịch khi các chính trị gia cho rằng nếu những người trẻ tuổi, khỏe mạnh mắc bệnh nhẹ và phục hồi, sẽ có đủ miễn dịch để virus không lây lan nữa và những người dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ.
Vào thời điểm đó, với tỷ lệ tử vong là 1% số ca mắc Covid-19, đại dịch sẽ cướp đi sinh mạng của 3,2 triệu người Mỹ khi có đủ số người nhiễm SARS-CoV-2 để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Sự xuất hiện của vaccine Covid-19 đã thay đổi những dự đoán về khả năng miễn dịch cộng đồng. Nếu 2/3 người Mỹ được tiêm chủng vào mùa xuân, sẽ có rất ít người mới lây nhiễm SARS-CoV-2 đến mức đại dịch có thể đã được ngăn chặn phần lớn.
Các dữ liệu nghiên cứu bắt đầu cho thấy, khả năng miễn dịch tự nhiên không có tính bảo vệ bằng khả năng miễn dịch đến từ tiêm chủng và hiệu quả của vaccine có thể giảm dần sau khoảng 6 tháng.
Tiến sĩ Mark Rupp, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, cho biết, có hơn 1/3 ca nhiễm SARS-CoV-2 sau khi phục hồi không sinh ra kháng thể bảo vệ.
“Tôi ước điều đó không phải là sự thật”, ông Rupp nói. Nhiều bệnh nhân của ông Rupp tin rằng họ sẽ có kháng thể bảo vệ sau khi mắc Covid-19.
Mặc dù vậy, tin tốt đối với những người đã phục hồi sau Covid-19 là một liều vaccine duy nhất có thể mang lại khả năng miễn dịch cao, ông Topol cho biết.
Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được?
Các chuyên gia đưa ra hy vọng lạc quan rằng, đại dịch sẽ dần kết thúc và virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành một trong nhiều loại virus đặc hữu tiếp tục lưu hành trên thế giới nhưng gây ra ít ca tử vong hơn.
Tiến sỹ Gregory Poland, giám đốc Nhóm nghiên cứu vaccine của Trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ), cho biết, virus SARS-CoV-2 được dự đoán sẽ lây nhiễm cho nhiều người trưởng thành vào mùa đông nhưng nhìn chung chỉ gây bệnh nghiêm trọng cho người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch và phụ nữ mang thai chưa được tiêm chủng.
“Sẽ đến một thời điểm tất cả mọi người đều đã mắc bệnh hoặc được tiêm chủng và Covid-19 sẽ giống như các bệnh hô hấp khác, trở thành một căn bệnh có thể kiểm soát được”, Jeffrey Shaman, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, cho biết.
Theo các chuyên gia, vaccine Covid-19 sẽ trở thành một phần của việc chủng ngừa thông thường từ khi còn trẻ, có thể cần nhiều liều và cần mũi tăng cường nếu xuất hiện các biến thể mới.
Nếu mắc Covid-19, những người trưởng thành đã tiêm vaccine thường có các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Người lớn chưa được tiêm chủng sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Theo thời gian, miễn dịch sẽ suy giảm, bởi vậy việc tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 hàng năm sẽ đặc biệt quan trọng đối với những người trên 65 tuổi và bị suy giảm hệ miễn dịch.
Liệu SARS-CoV-2 có đi theo con đường giống những loại virus khác mà con người sẽ phải học cách sống chung hay không? “Đó là một câu hỏi khó”, ông Shaman nói.
Không thể dự đoán trước bất cứ điều gì với SARS-CoV-2. Trong trường hợp xấu nhất, virus sẽ đột biến thành một biến thể thậm chí còn nguy hiểm và dễ lây lan hơn biến thể Delta.
“Một biến thể mới có khả năng né tránh phản ứng miễn dịch có thể sẽ xuất hiện trong tương lai và khi đó chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu”, ông Poland nói.
Rustom Antia, giáo sư sinh học tại Đại học Emory, cho biết, học cách chung sống với Covid-19 nghĩa là chấp nhận sự không chắc chắn của SARS-CoV-2 và cảnh giác với những gì có thể xảy ra.
“Phép màu sẽ không xảy ra. Covid-19 sẽ là một phần trong cuộc sống của chúng ta trong quãng đời còn lại”, chuyên gia Schiffer nói.