Nga ghi nhận hơn 800 người chết do Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, khi đất nước vật lộn với biến chủng Delta.
Thống kê của chính phủ Nga hôm 26/8 cho thấy nước này ghi nhận 820 ca tử vong và 19.630 ca nhiễm mới. Ca tử vong do Covid-19 ở Nga nhiều lần tăng mức kỷ lục trong tháng 8.
Số liệu mới nhất nâng tổng số ca tử vong trong đại dịch tại Nga lên 179.243, cao nhất châu Âu, trong khi ca nhiễm cũng tăng lên 6.824.540. Nga hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới.
Tuy nhiên, thống kê này chỉ tính đến các trường hợp tử vong khi Covid-19 được coi là nguyên nhân chính sau khám nghiệm tử thi. Theo định nghĩa rộng hơn về các trường hợp tử vong liên quan Covid-19, cơ quan thống kê Rosstat báo cáo cuối tháng 6 rằng Nga đã ghi nhận hơn 300.000 ca tử vong.
Từ giữa tháng 6, Nga phải hứng chịu sóng lây nhiễm mới do biến chủng Delta gây ra. Giới chức Nga cũng phải đối phó tình trạng một bộ phận người dân nghi ngờ vaccine, khiến quá trình tiêm chủng bị trì trệ.
Moska, tâm điểm đợt bùng phát ở Nga, và một số khu vực khác đã đưa ra các biện pháp tiêm phòng bắt buộc cho một số nhóm công dân và khuyến khích tiêm chủng. Tính đến 26/8, hơn 35 triệu trong số 146 triệu người Nga đã được tiêm chủng đầy đủ, theo trang web Gogov, nơi thống kê dữ liệu Covid-19 từ các khu vực.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 149.217 ca nhiễm và 1.110 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 39.321.324 và 651.838.
Tổng thống Joe Biden đang mở rộng mục tiêu biến Mỹ trở thành “kho” vaccine trên phạm vi quốc tế. Biden đã bị chỉ trích vì cho phép người Mỹ tiêm liều tăng cường từ tháng 9, nhưng quan chức Mỹ nói rằng ngay cả tiêm mũi thứ ba cho người dân, nước này vẫn đủ khả năng duy trì đóng góp vaccine ra nước ngoài.
Nhà Trắng hôm 26/8 cho biết Mỹ sẽ chuyển hơn hai triệu liều vaccine Covid-19 tới Algeria, Ghana và Yemen, thúc đẩy nỗ lực chống lại đợt bùng phát thứ ba trên khắp châu Phi, nâng tổng số liều Mỹ hỗ trợ châu lục này lên 25 triệu.
Các chuyến hàng sẽ tới trước cuối tuần này, là lô vaccine đầu tiên Mỹ tặng ba quốc gia trên. Trước đó, Mỹ đã chuyển vaccine đến Nigeria và Nam Phi, hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.
Lô vaccine này được lấy từ lượng dư thừa trong kho dự trữ của Mỹ. 604.800 liều Johnson & Johnson sẽ đến Algeria, hơn 1,2 triệu liều Moderna tới Ghana, và 151.200 liều Johnson & Johnson khác đến Yemen. Tất cả các lô hàng được thực hiện thông qua chương trình phân phối vaccine Covax, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh vaccine Gavi dẫn đầu.
Châu Phi đang đứng trước sóng lây nhiễm thứ ba và thất bại trong cuộc đua tiêm chủng hàng loạt. Chưa đến 2% dân số trên khắp lục địa này được tiêm chủng đầy đủ. Một số nước thậm chí phải tiêu hủy vaccine chưa sử dụng vì thiếu cơ sở hạ tầng y tế để thực hiện hoặc người dân hoài nghi vaccine.
Ghana, với dân số khoảng 32 triệu người, ban đầu được ca ngợi là hình mẫu chống Covid-19, thậm chí còn sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển vaccine đến các vùng sâu vùng xa. Ghana cũng là quốc gia đầu tiên tiêm vaccine thông qua Covax hồi tháng 2.
Tuy nhiên, chưa đến 3% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Ca tử vong do Covid-19 tại Ghana là 982, mức bị WHO nghi ngờ vì thiếu xét nghiệm.
Algeria, quốc gia có quan hệ thân thiết với Nga và là nước nhận vaccine Sputnik V sớm nhất, cũng đang phải vật lộn để có vaccine. Theo số liệu của WHO, đã có 5.063 ca tử vong do Covid-19 tại đất nước 43 triệu dân này.
Các nhà sản xuất vaccine Covid-19 Pfizer và BioNTech đã hợp tác với công ty dược phẩm Brazil Eurofarma để phân phối liều lượng ở Mỹ Latinh. Việc sản xuất sẽ bắt đầu vào năm tới và công suất tối đa đạt 100 triệu liều thành phẩm mỗi năm.
“Tất cả mọi người, bất kể điều kiện tài chính, chủng tộc, tôn giáo hay địa lý, đều xứng đáng được sử dụng vaccine Covid-19 để được cứu sống”, giám đốc Pfizer Albert Bourla cho biết. “Sự hợp tác mới của chúng tôi với Eurofarma mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp chúng tôi tiếp tục cung cấp khả năng tiếp cận công bằng và bình đẳng vaccine Covid-19”.
Brazil là điểm nóng đại dịch toàn cầu, với mức tăng kỷ lục 1.300 người chết hôm 23/8, nâng tổng số người chết lên gần 575.000, chỉ sau Mỹ. Biến chủng Delta lây lan nhanh càng đặt ra thách thức với nước này, bên cạnh đó là những cuộc biểu tình phản đối cách chính phủ xử lý khủng hoảng và chậm triển khai vaccine.
Theo Pfizer và BioNTech, các công ty đã chuyển hơn 1,3 tỷ liều vaccine đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặt mục tiêu cung cấp một tỷ liều hàng năm cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2021 và 2022 .
Tháng trước, các công ty công bố thỏa thuận tương tự với Biovac ở Nam Phi, với mục tiêu cung cấp 100 triệu liều mỗi năm cho 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi.