Gần 50% trong số khoảng 1.200 người nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán vẫn còn vấn đề sức khoẻ sau hơn một năm.
Sau 12 tháng, 20% bệnh nhân vẫn gặp các triệu chứng phổ biến nhất như mệt mỏi hoặc yếu cơ, 17% bệnh nhân bị khó ngủ và 11% bị rụng tóc, theo nghiên cứu đã được bình duyệt của chuyên gia thuộc các bệnh viện ở Bắc Kinh và Vũ Hán, công bố trên tạp chí y khoa Lancet hôm 26/8. Nhóm nghiên cứu tập trung vào các bệnh nhân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên cuối năm 2019.
“Phần lớn bệnh nhân hồi phục tốt, nhưng các vấn đề sức khỏe vẫn tiếp diễn ở một số người, đặc biệt là những ca từng lâm vào tình trạng nghiêm trọng trong thời gian điều trị tại bệnh viện”, đồng tác giả Cao Bin thuộc Trung tâm Y học Hô hấp Quốc gia tại Bệnh viện Hữu nghị Trung – Nhật ở Bắc Kinh, cho biết.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy quá trình hồi phục của một số bệnh nhân sẽ mất hơn một năm và điều này cần được tính đến khi hoạch định kế hoạch cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sau đại dịch”, Cao cho biết thêm.
Các tác giả nói rằng nghiên cứu của họ là cuộc khảo sát theo dõi lớn nhất cho đến nay về những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sau khi nhập viện. Họ theo dõi 1.276 bệnh nhân xuất viện từ tháng 1 đến tháng 5/2020, từ Bệnh viện Kim Ngân Đàm, Vũ Hán, nơi điều trị một số ca Covid-19 sớm nhất.
Vũ Hán là tâm điểm ban đầu của đợt bùng phát đại dịch và ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm, buộc giới chức phải áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hàng tháng đối với 11 triệu dân.
Để phục vụ cho nghiên cứu, các bệnh nhân, có độ tuổi trung bình 59, đã trải qua kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và đi bộ 6 phút để đánh giá sức chịu đựng của họ vào các thời điểm 6 và 12 tháng sau khi lần đầu xuất hiện triệu chứng Covid-19.
Đối với thời điểm một năm, ít người ghi nhận các vấn đề sức khỏe hơn so với thời điểm 6 tháng. 88% những người đang làm việc trước khi bị nhiễm đã đi làm trở lại sau một năm. Nhưng nhìn chung, những người được theo dõi trong nghiên cứu vẫn kém khỏe mạnh hơn những người dân Vũ Hán không mắc Covid-19.
Theo nghiên cứu, cứ 10 người khỏi Covid-19 thì ba người vẫn bị khó thở sau một năm, số người bị lo âu hoặc trầm cảm nhiều hơn một chút so với khảo sát trước đó. Họ cũng phát hiện 4% bệnh nhân bị rối loạn khứu giác sau một năm, so với 11% ở thời điểm nửa năm.
Sau một năm, tình trạng khó vận chuyển oxy vào máu trong túi khí của phổi đã xảy ra ở 20 đến 30% người từng trải qua triệu chứng vừa phải, nhưng con số này tăng lên 54% đối với người từng phải thở máy. Các tác giả kêu gọi cần các nghiên cứu lớn hơn để hiểu hậu quả lâu dài của Covid-19 và hỗ trợ nhiều hơn cho những người phục hồi.
“Chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu tại sao các triệu chứng tâm thần, như lo lắng và trầm cảm, lại phổ biến hơn một chút ở những người đã hồi phục một năm so với 6 tháng”, đồng tác giả Gu Xiaoying thuộc Viện Khoa học Y tế Lâm sàng của Bệnh viện Bắc Kinh, cho hay. “Những điều này có thể do quá trình sinh học liên quan sự lây nhiễm virus, phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus. Hoặc chúng có thể liên quan đến giảm tiếp xúc xã hội, cô đơn, sức khỏe thể chất không được phục hồi hoặc mất việc làm liên quan Covid-19”.
Trong bài xã luận kèm theo, Lancet mô tả triệu chứng Covid-19 kéo dài như “một thách thức y tế hiện đại”.
“Không có phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả hoặc thậm chí là hướng dẫn phục hồi chức năng, triệu chứng Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục cuộc sống bình thường và làm việc của mọi người. Tác động đối với xã hội, từ gánh nặng chăm sóc sức khỏe gia tăng và thiệt hại về kinh tế, năng suất, cũng đáng kể”, bài xã luận cho biết, lưu ý rằng chỉ 0,4% bệnh nhân ở Vũ Hán đã tham gia chương trình phục hồi chức năng chuyên nghiệp.