Sau khi chọn Kamala Harris làm “phó tướng” đồng hành tranh cử năm ngoái, Joe Biden cho biết ông muốn bà là “tiếng nói cuối cùng” trước những quyết định quan trọng.
“Tôi đã yêu cầu Kamala trở thành người có tiếng nói cuối cùng trong phòng, luôn nói cho tôi sự thật, thách thức những quan điểm của tôi nếu bà ấy không đồng ý, hỏi tôi những câu hóc búa. Đó là cách chúng tôi đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân Mỹ”, Joe Biden phát biểu hồi tháng 8/2020, trong lần đầu tiên xuất hiện cùng Kamala Harris sau khi chọn bà làm “phó tướng”.
Chiến thắng của liên danh Biden – Harris trong cuộc bầu cử năm ngoái đồng nghĩa với việc bà Harris trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ, phá vỡ tiền lệ tồn tại hơn hai thế kỷ qua, đồng thời là người da màu gốc Nam Á đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này.
Ở tuổi 56, Harris bước lên vị trí Phó tổng thống chỉ 4 năm sau khi lần đầu tiên đến Washington với tư cách thượng nghị sĩ từ California, nơi bà từng giữ chức tổng chưởng lý và công tố viên quận San Francisco. Giới quan sát nhận định bước tiến của bà Harris là khoảnh khắc lịch sử, bởi nó đánh dấu việc một ranh giới cố hữu bị phá vỡ, giúp mở ra những khả năng mới trong nền chính trị Mỹ.
Điều này được cho là còn đặc biệt quan trọng giữa lúc nước Mỹ nhức nhối với nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời quay cuồng vì một đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng người da màu một cách không cân xứng với những nhóm khác trong xã hội. Bà Harris được kỳ vọng sẽ mang đến những góc nhìn quan trọng mà trước đây thường bị thiếu sót trong các cuộc tranh luận.
Trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 2, khi được hỏi về vấn đề chủ đạo mà bà phụ trách, Harris cho biết bà đặt trọng tâm vào việc “đảm bảo Joe Biden thành công”. Phần lớn tháng đầu tiên tại nhiệm, Harris xuất hiện cùng Biden, luôn ở cạnh mỗi khi Tổng thống Mỹ ký các sắc lệnh hoặc công bố chính sách, đôi khi bổ sung thêm cho phát ngôn của Biden.
Một phụ tá Nhà Trắng giấu tên cho biết Harris thường là người đầu tiên và cuối cùng có mặt trong phòng họp cùng Biden, đôi khi họ có thêm các cuộc thảo luận riêng. “Harris tham gia phần lớn các cuộc họp mà Tổng thống có mặt, bởi ông muốn bà ở đó”, Sabrina Singh, phó thư ký báo chí của Harris, cho biết.
Công việc riêng của Harris trong những tuần đầu làm việc trên cương vị mới chủ yếu tập trung vào Covid-19. Bà đã tận dụng vai trò phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ để vận động xóa bỏ tâm lý ngần ngại vaccine trong cộng đồng này, đồng thời góp phần thành lập một nhóm chuyên trách của Nhà Trắng để giải quyết tình trạng bất bình đẳng y tế ngày càng trầm trọng vì đại dịch.
Tuy nhiên, khác với người tiền nhiệm Mike Pence, Harris không được chỉ định là người dẫn dắt ứng phó đại dịch. Thay vào đó, bà đảm đương nhiệm vụ được đánh giá chứa đầy rủi ro là lãnh đạo phản ứng của chính phủ đối với dòng người di cư ngày càng đông đúc ở biên giới phía nam. Đội ngũ của Harris nhấn mạnh họ sẽ tập trung vào gốc rễ các vấn đề tại tam giác Bắc Trung Mỹ, gồm El Salvador, Guatemala và Honduras.
Với kinh nghiệm quan hệ quốc tế tương đối ít hơn so với Biden, Harris bắt đầu tích lũy thêm bằng những bữa trưa thường xuyên với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thân tín lâu năm của ông chủ Nhà Trắng, đồng thời tích cực tiếp xúc với các lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế.
Sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Guatemala và Mexico để giải quyết vấn đề di cư hồi tháng 6, Phó tổng thống Mỹ hôm 20/8 lên chuyên cơ Không lực Hai bắt đầu chuyến thăm Singapore và Việt Nam, trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden đến châu Á. Bà sẽ đến Hà Nội vào tối nay, đánh dấu lần đầu tiên một Phó tổng thống đương nhiệm Mỹ tới thăm Việt Nam.
Chuyến công du Đông Nam Á lần này của bà Harris dự kiến tập trung vào các vấn đề y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, quan hệ đối tác kinh tế và an ninh khu vực, trong bối cảnh chính quyền Biden nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris đặt ưu tiên hàng đầu là xây dựng lại quan hệ đối tác toàn cầu và duy trì an ninh quốc gia của chúng ta. Chuyến thăm này tiếp tục công việc đó, làm sâu sắc thêm cam kết của chúng tôi ở Đông Nam Á”, Symone Sanders, phát ngôn viên của Harris, cho biết hôm 30/7.
“Chính quyền Biden coi Việt Nam là đối tác tiềm năng trong việc đạt được các mục tiêu của Mỹ như tự do hàng hải hay khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris sẽ tái khẳng định Mỹ tiếp tục làm việc với Việt Nam trong một loạt vấn đề chung, đặc biệt là chống Covid-19 và khắc phục hậu quả sau đại dịch”, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia, nhận xét.
Trước luồng ý kiến cho rằng Harris sẽ gặp khó khăn khi xử lý những vấn đề vô cùng nan giải mà bà đảm nhiệm, phát ngôn viên Sanders, cũng là cố vấn của Harris, chỉ ra rằng “những việc dễ không được đưa đến bàn làm việc của Tổng thống hay Phó tổng thống”.
“Những vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất và thích đáng nhất đối với đất nước mới đến tay họ. Tôi nghĩ Tổng thống đã thể hiện sự tin tưởng với Phó tổng thống bằng cách để bà giám sát một số vấn đề phức tạp nhất mà chúng tôi phải đối mặt”, Sanders cho hay.
Elaine Kamarck, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings của Mỹ, nhận định Biden “đang hành động đúng đắn khi trao cho bà những sáng kiến lớn”. Trong khi đó, Donna Brazile, cựu chủ tịch lâm thời của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, cho biết nhiều người đã lường trước những khó khăn đặc biệt mà nữ Phó tổng thống da màu phải đối mặt.
“Một năm trước, khi tôi và các đồng nghiệp thảo luận về người phụ nữ da màu trên phiếu bầu cử, chúng tôi đã biết rằng bất kỳ ai mà Biden chọn cũng sẽ đối mặt những rào cản và tiêu chuẩn kép thường thấy trên truyền thông Mỹ”, Brazile cho biết.
“Nhưng tôi nghĩ Harris cảm thấy vinh dự khi được phụng sự và biết ơn vì trở thành một phần của chính quyền này. Bà ấy sẽ không bao giờ dừng bước”, Brazile nêu ý kiến.