Sau quãng đường dài từ TP HCM đến Quảng Nam, ông Lê Văn Lý cùng hai người cháu chia sẻ “dù mệt nhưng về đến quê hương đỡ lo lắng hơn”.
Ông Lý 56 tuổi, phường An Xuân, TP Tam Kỳ, cùng vợ chồng con gái và hai người cháu làm nghề bán thức ăn đường phố ở phường Tân Thuận Tây (TP HCM). Năm người thuê một căn phòng trọ nhỏ sinh sống, mưu sinh hơn 3 năm qua ở đất khách.
Hơn một tháng nay, nơi ông Lý ở bùng phát dịch, phường Tân Thuận Tây bị phong tỏa một phần, xung quanh ghi nhận nhiều ca nhiễm. Ông Lý đóng cửa gian hàng bán thức ăn, nghề mưu sinh của năm người không còn, số tiền tiết kiệm cạn dần từng ngày. Gia đình ông Lý chịu nhiều áp lực, cuộc sống nặng nề khi đi ra, đi vào phòng trọ.
Ngày 13/7, Hội đồng hương Quảng Nam thông báo đón người dân về quê, cả gia đình ông đăng ký ngay.
Một ngày trước khi về, 5 người trong gia đình ông Lý đi xét nghiệm, con gái ông kết quả dương tính Covid-19. Vợ chồng họ phải ở lại TP HCM, còn ba ông cháu kết quả âm tính nên được hồi hương.
10h sáng 22/7, ông Lý và cháu lên xe ôtô rời tâm dịch TP HCM với bộ áo quần bảo hộ và đeo khẩu trang kín mít. Sau chặng đường hơn 800 km, xe đưa họ về khu cách ly tập trung số 3, TP Tam Kỳ, đặt tại ký túc xá trường Cao đẳng Quảng Nam, lúc 2h30 ngày 23/7.
“Về được đến đây là một niềm hạnh phúc, còn ở TP HCM những ngày này vừa chật chội, vừa lo lắng về dịch”, ông Lý nói và cho biết hết thời gian cách ly ông sẽ về nhà làm ruộng, trồng rau.
Đợt đầu tiên Quảng Nam tổ chức cho người dân ở TP HCM về quê, hai chuyến xe chở 74 người là sinh viên, lao động nghèo, công nhân… Đây là những chuyến xe nghĩa tình, người dân được miễn phí di chuyển cũng như phí cách ly tập trung 14 ngày từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Khi xe về đến nơi cách ly, cơ quan chức năng phun khử khuẩn hành lý, đo thân nhiệt và xét nghiệm lần nữa với tất cả hành khách, làm các thủ tục bố trí chỗ ở.
Em Trần Phước Huy, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, là sinh viên năm cuối đang thực tập ở quận Gò Vấp (TP HCM), vẻ mệt mỏi sau hành trình 15 giờ ngồi trên xe ôtô. Nhưng em chia sẻ “về đến quê nhà rất vui, không còn lo sợ như ở chỗ trọ xung quanh nhiều F0”.
“Em thấy mình may mắn và xin cảm ơn hội đồng hương, lãnh đạo tỉnh đã giúp đỡ”, Huy nói thêm.
Chị Trương Vũ Minh Chung, 19 tuổi, xã Tam Ngọc, làm công nhân một công ty điện tử TP HCM cho hay, nơi chị đang làm việc là khu công nghệ cao tình hình dịch phức tạp. Chị muốn về quê khi công việc bị tạm dừng song bị mắc kẹt do các tuyến vận tải hành khách đều tạm dừng.
“Nếu không có chuyến xe giải cứu này, không biết những ngày tới sẽ còn khó khăn như thế nào nữa đối với em”, chị Chung nói.
Ở TP HCM có khoảng 32.000 người Quảng Nam, trong đó có nhiều lao động tự do. Sáng 21/7, tỉnh Quảng Nam điều 10 xe vào TP HCM đón người dân về tránh dịch. Trong đợt đầu, Quảng Nam đón hơn 400 người dân của các địa phương Tam Kỳ, Quế Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Hiệp Đức và Đại Lộc. Mỗi xe chở 41 người, xuất phát từ TP HCM chiều hàng ngày, về đến Quảng Nam sáng hôm sau.
Ngoài ôtô, Quảng Nam tổ chức đón phụ nữ có thai, người già yếu, khuyết tật, ốm đau, trẻ em dưới 12 tuổi bằng máy bay. Người dân đăng ký qua Hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP HCM và sẽ được thông báo thời gian chuyến bay, tự mua vé.