WHO một lần nữa kêu gọi hoãn tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước đẩy mạnh kế hoạch này.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm Hungary ngày 23/8 nói rằng các nước nên hoãn tiêm liều tăng cường để ưu tiên nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho những quốc gia mới triển khai vaccine cho 1% hoặc 2% dân số.
Ông cảnh báo những biến chủng nguy hiểm hơn của nCoV sẽ xuất hiện nếu không tăng tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu. Tổng giám đốc WHO cho rằng số vaccine dự định dành cho kế hoạch tiêm tăng cường nên được tặng cho các nước có nhiều người dân chưa tiêm được liều đầu tiên.
WHO tuần trước cho biết dữ liệu hiện tại không cho thấy tiêm liều tăng cường là cần thiết, những người dễ tổn thương nhất trên toàn cầu nên được tiêm chủng đầy đủ trước khi những nước giàu triển khai tiêm mũi bổ sung cho dân số của họ.
Tuy nhiên, nhiều nước đã bắt đầu kế hoạch tiêm liều tăng cường cho người dân. Hungary đã bắt đầu tiêm mũi nhắc lại cho bất kỳ ai đã tiêm đủ hai mũi vaccine trước đó 4 tháng. Mỹ cũng thông báo cho phép tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho toàn dân từ ngày 20/9 với những người đã tiêm đủ liều vaccine được 8 tháng.
Thế giới đã ghi nhận 213.101.209 ca nhiễm nCoV và 4.451.141 ca tử vong, tăng lần lượt 439.064 và 6.640, trong khi 190.731.923 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 38.694.284 ca nhiễm và 645.709 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 64.231và 268 trường hợp so với một ngày trước đó.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 23/8 cấp phép hoàn toàn vaccine Covid-19 của Pfizer cho người từ 16 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine Covid-19 đầu tiên nhận được sự phê duyệt hoàn toàn của FDA.
Tổng thống Joe Biden ca ngợi việc cấp phép hoàn toàn cho Pfizer là ‘cột mốc quan trọng” trong cuộc chiến chống Covid-19 của Mỹ, đồng thời kêu gọi nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân ban hành quy định tiêm chủng bắt buộc cho người lao động.
Ngay sau thông báo của FDA, Thị trưởng New York Bill de Blasio tuyên bố tất cả nhân viên thuộc sở giáo dục thành phố đều phải tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 trước ngày 27/9. Kết quả xét nghiệm nCoV hàng tuần không được chấp thuận thay thế cho tiêm chủng.
Tại châu Âu, số ca tử vong và nhập viện ở một số quốc gia như Anh, Italy có xu hướng tăng trở lại.
Anh, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, đã báo cáo 6.524.581 ca nhiễm và 131.680 ca tử vong, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 31.914 và 40 trường hợp. Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) ngày 23/8 cho biết số ca tử vong trung bình 7 ngày ở Anh đã vượt ngưỡng 100, mức cao nhất kể từ tháng 3. Sau khi giảm mạnh vào giữa tháng 7, số ca nhiễm trung bình 7 ngày cũng tăng 13% so với một tuần trước, trong khi số ca nhập viện cũng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
Italy, nơi từng là tâm dịch Covid-19 của châu Âu, ngày 23/8 ghi nhận 44 trường hợp tử vong, tăng gần gấp đôi so với con số 23 của ngày trước đó. Italy đã báo báo 128.795 người chết vì Covid-19, trong tổng số gần 4,49 triệu ca nhiễm kể từ khi dịch bùng phát. Số ca phải nhập viện chăm sóc đặc biệt cũng tăng nhẹ, từ mức 33 ca hôm 22/8 lên 45 ca hôm 23/8.
Tại châu Á, Trung Quốc ngày 23/8 không báo cáo ca nhiễm cộng đồng mới, lần đầu tiên kể từ tháng 7, theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC). Số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm đều đặn trong quần qua xuống mức một con số, từ mức đỉnh điểm hơn 100 ca hai tuần trước. Đây dường như là kết quả của các biện pháp cứng rắn mà giới chức Trung Quốc thực hiện.
Trung Quốc đối mặt đợt bùng phát chủng Delta từ ngày 20/7, khi phát hiện cụm dịch là nhân viên vệ sinh sân bay ở thành phố Nam Kinh. Đợt bùng phát lan tới hơn một nửa trong số 31 tỉnh của nước này và khiến hơn 1.200 người nhiễm.
Giới chức Trung Quốc đã lập tức tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Hàng chục triệu dân phải quay lại trạng thái phong tỏa, trong khi các chiến dịch xét nghiệm và truy vết tiếp xúc được thực hiện trên quy mô lớn. Các biện pháp hạn chế đi lại cũng được siết chặt.
Nếu xu hướng dịch hiện tại của Trung Quốc được duy trì, đây có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới kiểm soát được một đợt bùng phát chủng Delta lớn.
Đài Loan ngày 23/8 bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 do công ty Medigen địa phương tự sản xuất, sau nhiều tháng chật vật tìm kiếm nguồn cung vaccine từ nước ngoài. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tiêm mũi vaccine này tại một bệnh viện ở Đài Bắc.
Vaccine của Medigen đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 7. Theo dữ liệu của chính quyền địa phương, gần 600.000 người trong số 23,5 triệu dân Đài Loan đăng ký tiêm vaccine Medigen.
Trong vài tháng qua, tỷ lệ tiêm chủng ở Đài Loan đã tăng lên đáng kể với khoảng 40% dân số đã được tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, chỉ có 3% người dân Đài Loan tiêm đủ liều.
Indonesia, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đã quyết định nới lỏng các hạn chế Covid-19 ở một số khu vực, trong đó có thủ đô Jakarta từ ngày 24/8. Tổng thống Joko Widodo cho biết quyết định được đưa ra sau khi số ca nhiễm mới đã giảm 78% so với ngày 15/7.
Phó thống đốc Jakarta Ahmad Rizia Patria ngày 22/8 cho biết thủ đô đã đạt miễn dịch cộng đồng. 54% dân số Jakarta đã tiêm chủng đầy đủ và hầu hết dân số đã tiêm ít nhất một liều. Trong khi đó, chỉ hơn 11% dân số Indonesia đã tiêm đủ liều kể từ khi quốc gia này bắt đầu chiến dịch vào tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, Pandu Riono, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, bác bỏ nhận định và cho rằng phó thống đốc đã hiểu sai về khái niệm miễn dịch cộng đồng. “Ngay cả khi chúng tôi đạt tỷ lệ phủ vaccine 100%, mức độ miễn dịch vẫn dưới 80%”, ông nói.
Dù dịch giảm ở Jakarta và nhiều khu vực trên đảo Java, biến thể Delta vẫn tiếp tục khiến số ca nhiễm tăng ở nhiều đảo khác như Sumatra, Kalimantan, Sulawesi hay Papua.
Tổng số ca nhiễm nCoV tại Philippines đã tăng lên 1.857.646 sau khi nước này ghi nhận thêm 18.322 ca nhiễm mới ngày 23/8, trong bối cảnh giới chức nới lỏng lệnh phong tỏa chặt chẽ ở vùng thủ đô Manila, gồm thủ đô Manila và 16 đô thị với tổng dân số 13 triệu người, để các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại.
Bộ Y tế Philippines cho biết lượng lớn ca nhiễm biến chủng Delta không rõ nguồn lây đã được phát hiện ở vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận. Giới chức cho rằng đợt bùng phát Covid-19 hiện nay là do biến chủng Delta.