Có nhiều nơi trên thế giới mà máy bay thương mại không được phép bay qua và Nam Cực là khu vực lớn nhất.
Trong khi một số hãng hàng không vẫn khai thác đường bay qua Bắc Cực thì không hãng nào lựa chọn lộ trình bay qua Nam Cực. Kể từ năm 1959, Nam Cực chính thức trở thành một khu vực phi quân sự. Các cường quốc trên thế giới đồng ý chỉ khai thác lục địa này cho mục đích nghiên cứu hoà bình. Vì vậy, lãnh thổ Nam Cực không thuộc về quốc gia nào. Điều đó có nghĩa máy bay được phép bay qua không phận của lục địa này, tuy nhiên các hãng hàng không luôn tránh bay qua Nam Cực vì các lý do an toàn.
Nam Cực là nơi có tầm nhìn hạn chế, thường xuyên xảy ra hiện tượng “whiteout”, khi ánh sáng khuếch tán khiến mọi vật xung quanh đều phủ màu trắng và xoá đi đường chân trời, làm mất khả năng định hướng và xác định sự vật dù ở rất gần.
Lục địa trống trải khiến việc bay qua giống như bay trên biển. Tuy nhiên, bay trên đại dương thường có tầm nhìn xa hơn và đường bay đã được định sẵn giúp phi công biết được nơi cần đến thông qua bản đồ. Ngoài ra, do tính chất biệt lập của lục địa này mà máy bay có thể gặp khó khăn khi liên lạc với các trạm kiểm soát không lưu để đảm bảo đang bay đúng đường, tránh các mối nguy hiểm khác đang hướng về phía máy bay, chẳng hạn như một cơn bão.
Tuy nhiên, hiện nay du khách vẫn có thể tới tham quan Nam Cực bằng máy bay trực thăng hoặc thuê máy bay tư nhân với giá lên tới 30.000 USD. Bạn có thể bay từ New Zealand, Australia, Chile và Argentina, song đây cũng được coi là một hình thức mạo hiểm nên hiện vẫn ít công ty khai thác đường bay này.
Việc duy trì một đường băng trên đất liền Nam Cực sẽ tốn rất nhiều kinh phí do khí hậu khắc nghiệt. Xung quanh lục địa này được bao quanh bởi đại dương, ngoài ra có rất ít hoặc không có đường bay định sẵn nên trong trường hợp khẩn cấp, máy bay sẽ không có nơi nào để hạ cánh. Ngoài Nam Cực, một số vùng trên thế giới mà máy bay tránh bay qua là khu vực dãy Himalaya, vùng Tây Tạng và một số địa điểm xảy ra tranh chấp quân sự.