Startup Altos Labs đã huy động được ít nhất 270 triệu USD từ tỷ phú Jeff Bezos và một số nhà đầu tư mạo hiểm khác để phát triển công nghệ tái lập trình giúp tế bào lão hóa trở lại trạng thái ban đầu.
Dẫn nguồn tin thân cận, trang MIT Technology Review cho biết tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon, đã đầu tư vào một startup phát triển công nghệ đảo ngược lão hóa ở con người.
Startup này có tên là Altos Labs, đang phát triển công nghệ tái lập trình sinh học. Đây là công nghệ dựa trên phương pháp xử lý protein để các tế bào trong cơ thể trở lại trạng thái như tế bào gốc, từ đó ngăn chặn và đảo ngược quá trình lão hóa, giúp con người duy trì được sự trẻ trung và trường thọ. Đến nay, Altos Labs đã huy động được ít nhất 270 triệu USD từ ông Bezos, doanh nhân công nghệ nổi tiếng người Nga Yuri Milner và một số nhà đầu tư mạo hiểm khác.
Ông Bezos, 57 tuổi, đã rời vị trí Tổng giám đốc (CEO) của Amazon hồi tháng 7 và cho biết sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện và các dự án cá nhân của mình. Ngăn chặn bệnh tật và kéo dài tuổi thọ có vẻ là một trong những mối quan tâm lớn của ông. Trong thư gửi cổ đông Amazon năm 2020, ông đã trích dẫn nhiều ý kiến từ nhà sinh vật học tiến hóa người Anh, Richard Dawkins, trong đó có câu: “Ngăn chặn cái chết là điều mà bạn phải nỗ lực. Nếu các sinh vật sống không tích cực làm việc để ngăn chặn nó, cuối cùng chúng sẽ hòa nhập vào môi trường xung quanh và không còn tồn tại như những sinh vật tự trị. Đó là điều xảy ra khi chúng chết”.
Ngoài Altos Labs, ông Bezos cũng nắm cổ phần tại nhiều startup nghiên cứu tế bào như Nautilus Biotechnology, Sana Biotechnology, Denali Therapeutics và Juno Therapeutics (hiện là thuộc Bristol Myers Squibb). Cùng với tỷ phú công nghệ Peter Thiel, ông Bezos cũng đầu tư vào Unity Biotechnology, một startup phát triển công nghệ giúp trì hoãn sự lão hóa ở cấp độ tế bào.
Hiện tại không có nhiều thông tin về Altos Labs. Được thành lập vào đầu năm nay, công ty này đang chào mời các nhà khoa học tham gia với mức lương lên tới từ 1 triệu USD/năm trở lên và cho phép họ tự do nghiên cứu quá trình lão hóa của các tế bào trong cơ thể ngườ và tìm cách đảo ngược quá trình này.
Theo MIT Technology Review, công ty này triển khai hoạt động tại Mỹ và Anh sau một hội thảo về công nghệ sinh học được tổ chức tại Los Altos Hills, California, Mỹ đầu năm nay. Startup này được cho là có kế hoạch mở thêm nhiều văn phòng tại San Diego (Mỹ), Cambridge (Anh) và Nhật Bản.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản Shinya Yamanaka – tác giả công nghệ tái lập trình sinh học, từng đoạt giải Nobel Y học năm 2012 – sẽ là nhà khoa học cấp cao và chủ tịch hội đồng cố vấn khoa học của Altos Labs.
“Dù còn rất nhiều rào cản phải vượt qua, đây là một dự án tiềm năng”, ông Yamanaka nói với MIT Technology Review.
Ngoài ra, nhà sinh học người Tây Ban Nha Juan Carlos Izpisúa Belmonte của Viện nghiên cứu sinh học Salk (California, Mỹ) dự kiến sẽ gia nhập Altos Labs. Ông Belmonte nổi tiếng với việc kết hợp phôi tế bào của người và khỉ. Giáo sư Steve Horvath của Đại học California (Mỹ) – người từng phát triển “đồng hồ sinh học” có thể đo chính xác tình trạng lão hóa ở người, cũng sẽ tham gia công ty này.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Manuel Serrano của Viện Nghiên cứu Y sinh ở Barcelona, Tây Ban Nha, cũng xác nhận với MIT Technology Review rằng ông dự định tham gia chi nhánh của Altos Labs ở Cambridge, Anh. Ông tiết lộ công ty này sẽ trả cho ông mức lương gấp 5-10 lần hiện tại.
“Triết lý của Altos Labs là nghiên cứu dựa trên sự tò mò. Đây là điều tôi biết làm và thích làm”, ông Serrano chia sẻ với MIT Technology Review. “Với một công ty tư nhân, chúng tôi được tự do để ra các quyết định táo bạo và khám phá”.
Theo ông Serrano, mục tiêu trước hết của Altos Labs không phải là kiếm tiền mà là hiểu rõ về sự trẻ hóa.
Altos Labs không phải là công ty duy nhất tìm cách kéo dài tuổi thọ của con người. Công ty Calico Labs, do nhàđồng sáng lập Google Larry Page lập ra vào năm 2013, có cùng mục tiêu đó. Calico Labs cũng chiêu mộ nhiều nhà khoa học nổi tiếng với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin về tiến độ nghiên cứu của công ty này.
Theo các nhà khoa học, việc tái lập trình tế bào có tiềm năng lớn giúp điều trị chứng mất thị lực, chấn thương tủy sống, chấn thương não và các bệnh do lão hóa. Trong một nghiên cứu năm 2018, nhà sinh vật học Belmonte của Viện Salk tuyên bố đây là “thần dược của cuộc sống” và nói rằng “lão hóa không phải là một quá trình không thể đảo ngược”.
Nir Barzilai dự báo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lão hóa tại Đại học Y khoa Albert Einstein, New York (Mỹ), trong năm nay sẽ có khoảng 4,5 tỷ USD đầu tư vào việc nghiên cứu các phương thức kéo dài tuổi thọ.