Nhà sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản vừa có quý đạt lợi nhuận ròng kỷ lục nhờ doanh số bán hàng mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và Trung Quốc.
Hôm 4/8, Toyota vừa báo cáo lợi nhuận ròng quý tính từ tháng 4 đến tháng 6 đạt 897,8 tỷ yen (8,2 tỷ USD), nhờ doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ và Trung Quốc đã đạt mức trước đại dịch.
Doanh thu quý vừa rồi của Toyota đạt hơn 7.900 tỷ yen, trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh là 997,4 tỷ yen. Hãng này đã bán được 5 triệu xe trong nửa đầu năm nay, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,5% so với năm 2019, chủ yếu nhờ doanh số bán hàng ở Mỹ và Trung Quốc.
Highlander và các xe tải hạng nhẹ khác, cùng với Camry và các dòng sedan khác đã được người dân Bắc Mỹ đón nhận nồng nhiệt. Tại Trung Quốc, các mẫu xe Corolla và Lexus có doanh số tăng. Việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng của Mỹ và thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn virus đã giúp thúc đẩy nhu cầu sắm xe mới của người tiêu dùng.
“Trong quý đầu tiên của năm tài chính, chúng tôi đã nhìn thấy hiệu quả từ việc cải thiện hoạt động bất chấp môi trường kinh doanh khắc nghiệt”, công ty cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động này trong tương lai, nhưng tình hình vẫn không thể đoán trước do sự lây lan của Covid-19 ở các nước mới nổi, tình trạng thiếu chất bán dẫn và giá nguyên liệu tăng cao”.
Do vậy, Toyota giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng cho cả năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, ở mức 2.300 tỷ yen.
Cùng ngày, Honda Motor đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận ròng trong năm tài chính hiện tại lên 670 tỷ yen, tăng 80 tỷ yen so với dự báo hồi tháng 5, nhờ vào việc tăng doanh số bán hàng và các biện pháp giảm chi phí.
Bất chấp việc điều chỉnh thu nhập, được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhu cầu toàn cầu, nhà sản xuất ôtô này lại hạ dự kiến sản lượng xe sẽ bán được còn 4,85 triệu, giảm so với con số 5 triệu đưa ra trước đó. Nguyên do là tình trạng thiếu chip vẫn tiếp tục diễn ra.
“Với sự phục hồi chậm của nhà máy Điện tử Renesas bị cháy, kết hợp với sự cố ngừng hoạt động ở châu Á, chúng tôi hạ thấp kỳ vọng doanh số hàng năm”, Phó Chủ tịch điều hành Honda Motor Seiji Kuraishi cho biết.
Ông Kuraishi cho biết Honda đang có kế hoạch cải thiện việc quản lý hàng tồn kho phụ tùng toàn cầu. Nếu tình trạng dư thừa chất bán dẫn xảy ra ở Đông Nam Á, nơi mà đại dịch khiến các nhà máy phải đóng cửa thì họ sẽ gửi chúng đến các nhà máy ở Nhật Bản và Trung Quốc.
Cả Toyota và Honda đều phải chịu áp lực từ việc giá nguyên liệu thô leo thang, do phải đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải cao hơn ở Trung Quốc và các thị trường lớn khác. Các quy định đang thúc đẩy nhu cầu gia tăng với kim loại hiếm như rhodium, được sử dụng trong các bộ đóng vai trò kiểm soát khí thải. Giá lithium và các vật liệu pin quan trọng khác; cũng như thép, nhôm và nhựa cũng đang tăng.
Ở Đông Nam Á, biến thể Delta đã trở thành mối quan tâm lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch, vốn tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung cấp phụ tùng ôtô. Tại Thái Lan, Toyota đã dần ngừng sản xuất kể từ cuối tháng 7 do tình trạng nhiễm bệnh của các nhân viên sản xuất phụ tùng. Các nhà máy ở Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản cũng bị đình chỉ.
Toyota được cho là đã giảm thiểu thiệt hại từ cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu nhờ vào các hoạt động dự trữ nguyên liệu từ trước. Tuy nhiên, hôm thứ Hai (2/8), công ty cũng đã phải dừng một số dây chuyền ở Nhật Bản bởi nguồn cung chip quá thấp. Việc tạm ngưng sẽ tiếp tục cho đến thứ Sáu tuần này.