harlie Munger nghĩ chứng khoán đang bị định giá quá cao, khi chỉ số S&P 500 đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi chạm đáy tháng 3/2020.
Tại hội thảo Sohn tổ chức tại Sydney cuối tuần trước, Charlie Munger – Phó chủ tịch Berkshire Hathaway nhận định thị trường đang bị định giá quá cao ở nhiều nơi. Môi trường đầu tư hiện tại “cực đoan hơn một chút” so với những gì ông chứng kiến trong hàng chục năm qua.
“Tôi cho rằng thời kỳ này thậm chí còn điên cuồng hơn thời bong bóng dotcom”, nhà đầu tư 97 tuổi cho biết. Munger là cộng sự lâu năm và là cánh tay phải của huyền thoại đầu tư Warren Buffett. Ông cùng Buffett chủ trì Đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway hàng năm, trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về hàng loạt vấn đề trên thế giới.
Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi chạm đáy tháng 3/2020. Nhà đầu tư đã rót gần 900 tỷ USD vào các quỹ đầu tư cổ phiếu trong năm nay, vượt tổng 19 năm trước đó cộng lại, theo số liệu của Bank of America và EPFR Global.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ hiện cao hơn đầu năm ngoái. Nhà đầu tư cũng trở nên dễ bị kích thích hơn. Lạm phát tăng vọt đang buộc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, đe dọa dòng tiền đã kéo giá hàng loạt tài sản lên trong thời gian qua.
Munger cũng nói rằng ông ước tiền số không tồn tại và khen ngợi Trung Quốc vì đã cấm sử dụng tiền số. “Tôi ước gì chúng chưa từng được tạo ra”, ông nói, “Và một lần nữa, tôi ngưỡng mộ Trung Quốc. Tôi cho rằng họ đã có quyết định đúng. Chỉ đơn giản là cấm sử dụng thôi. Giới chức nước tôi đã có quyết định sai lầm. Tôi không thể tham gia vào sự điên rồ đó được”. Giá Bitcoin đã tăng hơn 10 lần so với đầu năm ngoái.
Đây không phải là lần đầu tiên Munger thể hiện sự ghét bỏ với tiền số. Trong Đại hội cổ đông Berkshire hồi tháng 5, ông nói: “Dĩ nhiên tôi ghét Bitcoin. Tôi không hoan nghênh một tiền tệ hữu dụng với những kẻ bắt cóc hay tống tiền. Tôi cũng không thích rót hàng tỷ USD cho ai đó vừa phát minh ra một sản phẩm tài chính mới từ hư không. Tôi nghĩ mình nên nói đơn giản, toàn bộ quá trình phát triển Bitcoin là ghê tởm và đi ngược lại lợi ích của nền văn minh”.