Với khẩu súng không nạp đạn và mấy lời đe doạ suông, Scott Catts tin rằng cướp ngân hàng vừa dễ dàng vừa chẳng hại đến ai nên liên tục thực hiện suốt nhiều năm.
Scott Catts sinh năm 1962 tại một thị trấn nhỏ ở Oregon, hưởng tuổi trẻ yên ấm với người cha làm việc tại Quỹ tiết kiệm quốc gia. Anh kết hôn với cô bạn cùng trường, xây ngôi nhà 4 phòng ngủ và sinh 2 con. Nhưng năm 1995, Beth mắc bệnh ung thư vú và qua đời sau đó 2 năm khi đứa con tên Hayden mới 5 tuổi và Abby 2 tuổi.
Tại thời điểm đó, Scott thấy “cuộc sống sắp dừng lại”, bắt đầu uống rượu rất nhiều. Anh ta tái hôn năm 1998 và ly hôn sau 14 tháng. Chứng nghiện rượu quật ngã sự nghiệp Scott khiến anh ta mất căn nhà đang nợ trả góp, bị thu hồi xe hơi. Cuối cùng, 3 bố con về ở với mẹ của Scott.
Anh ta nhớ trước đây có lần cha kể nơi ông làm bị gã bịt mặt xông vào cướp nhưng không ai tìm cách ngăn chặn. Các giao dịch viên được huấn luyện phải luôn tuân thủ bất cứ điều gì tên cướp ra lệnh. “Đơn giản, bởi vì tiền đã được bảo hiểm đền bù’, ông nói. Lập tức suy nghĩ ma mãnh loé lên trong đầu Scott.
Một sáng, sau khi đưa lũ trẻ đến trường, Scott lái xe đến chi nhánh của ngân hàng nơi bố làm bước vào sảnh với chiếc mũ lưỡi trai, áo len đen, đeo khẩu trang trắng và kính râm.
Anh ta mang theo một túi nylon đen và một khẩu súng lục cổ lỗ sĩ đi thẳng đến quầy giao dịch viên, đòi đưa tất cả tiền trong két. Nữ nhân viên ngân hàng răm rắp làm theo. Hôm ấy, Scott kiếm được 2.500 USD và chẳng bị ai đuổi theo sau.
Vài ngày sau, tờ báo địa phương đăng bức hình đen trắng cắt từ camera giám sát của ngân hàng về hình ảnh của tên cướp. “Trông giống con nhỉ”, bà mẹ nói đùa khi thấy bức ảnh và Scott chỉ cười tủm.
Từ đó, mỗi lúc bấn tiền, Scott lại bịt mặt, cầm túi vào ngân hàng. Cuối cùng, Scott kiếm được việc ở một công ty kỹ thuật, lương 25 USD mỗi giờ. Nhưng mỗi năm một lần, anh ta đều đến ngân hàng cướp 5.000-10.000 USD. Việc này trở thành một phần cuộc sống. Súng của Scott không bao giờ có đạn, và với lý luận “tiền sẽ được bên bảo hiểm trả”, anh ta coi việc đi cướp chẳng làm hại ai.
Scott đồng thời duy trì vai trò nhân viên cần mẫn và người cha đơn thân tận tụy, coi con cái là số một. Hai người con suốt thời kỳ này chưa bao giờ nghi ngờ cha. Đôi khi thấy những xấp tiền dày 100 USD trong ngăn kéo của bố, chúng cũng không hỏi. “Bố luôn là tấm gương để anh em tôi tốt lên trong đời”, Abby và Hayden nói.
Năm 2010, khi “cuộc hẹn” hằng năm với ngân hàng sắp diễn ra, Scott suy tính, nếu có đồng phạm, anh ta có thể đánh quả lớn, thậm chí vào được kho tiền. Song anh ta không có bạn bè trong giới tội phạm, cũng không tin tưởng ai, ngoại trừ những đứa con. Scott quyết định thuyết phục chúng.
Lúc này, Hayden 20 tuổi đang chìm trong rượu vì nhận ra là người đồng tính, còn Abby 17 tuổi, trượt tốt nghiệp cấp ba, đang tìm việc làm thêm. “Việc này sẽ mang lại chút khởi sắc trong cuộc sống chúng và gắn kết gia đình”, Scott tự nhủ.
Khi anh ta đặt vấn đề, hai đứa trẻ biết bố không đùa. Theo kế hoạch, Scott đề nghị con trai vào ngân hàng cùng. Trong khi anh ta đe doạ khách hàng, Hayden đến quầy giao dịch và ra lệnh cho nhân viên bỏ hết tiền vào túi. Hai cha con sẽ tẩu thoát ra chiếc xe đeo biển số giả được Abby đợi sẵn bên ngoài.
Đến ngày thực hiện vụ đầu tiên, Hayden quá sợ hãi đã lỉnh khỏi nhà trước khi trời sáng. Thất vọng, Scott tự mình đi cướp, lấy được vài nghìn USD và về nhà trước bữa trưa. Tác phong chuyên nghiệp của Scott gieo sự tin tưởng vào các con: “Bố thực sự biết mình đang làm gì”.
Đúng lúc đó, Hayden được nhận vào làm tại một khách sạn ở Hawaii, còn Scott được chuyển việc đến Houston, Texas và hưởng lương gấp đôi. Scott nghĩ đến việc “nghỉ tay” đi cướp. Nhưng ở Texas có quá nhiều ngân hàng, cơn “ngứa nghề” lại bùng lên.
Tháng 3/2012, Scott thuyết phục con gái cùng đến Texas. Vài tháng sau, Hayden quyết định cũng đến Texas sống cùng bố và em. Ba cha con nói chuyện lại về kế hoạch cướp ngân hàng. Hayden nói muốn có tiền để học đại học.
Abby cũng sẵn sàng, coi đây là điều phải làm để bảo vệ bố và anh, đảm bảo họ ra khỏi ngân hàng an toàn với số tiền mà không mất mạng. “Mình không muốn làm bố thất vọng”, Abby tự nhủ.
Họ lên lịch cho vụ cướp vào ngày 9/8/2012, khi Abby được nghỉ làm. Đêm trước, 3 bố con đến một khu chung cư, lấy trộm biển số của một chiếc ôtô và gắn vào xe mình.
Bình minh ngày 9/8/2012, đồng hồ báo thức vang lên trong căn nhà khang trang, có bể bơi ở ngoại ô Houston. “Các nhóc, sẵn sàng chưa?”, Scott hỏi, hai con gật đầu. Ba người chui vào chiếc Volkswagen Jetta 1999 màu xanh lục và 5 phút sau, đã đậu cách ngân hàng Comerica khoảng 50 m.
Scott và con trai mở lấy chiếc túi nylon đen có bộ đàm, 2 bộ đồ bảo hộ lao động, mặt nạ, găng tay và 2 khẩu súng bắn đạn nhựa và bắt đầu thay đồ. Sau 30 phút ngồi trong xe nhìn chằm chằm sang bên đường, Scott khẽ gật đầu. Abby thả cha và anh trai xuống, còn mình lái xe vòng quanh một con hẻm ở phía sau.
Vụ cướp đã diễn ra đúng như kế hoạch. Sau khi bố và anh trai nhảy vào xe với chiến lợi phẩm, Abby nhấn ga, làm theo hướng dẫn là lái xe chậm rãi, tuân theo tất cả biển báo giao thông để tránh gây chú ý.
Họ dừng lại ở một bãi rác để hai người đàn ông vứt bỏ đồ ngụy trang, súng lục, biển số xe bị đánh cắp và găng tay. Trở về nhà, ba cha con hồi hộp dốc túi nylon đen và tròn xoe mắt nhìn tiền rơi xuống sàn: 70.000 USD. “Quả là giải độc đắc”, họ thốt lên.
Ba cha con mua sắm, hưởng thụ. Hayden không dùng tiền để học đại học, Scott cũng chẳng mở quán cà phê cho con gái làm bà chủ như dự định. Khi cạn tiền, họ lại tính chuyện “đến ngân hàng”. Lần này, hai người con tự đi ngắm nghía, chọn mục tiêu tiếp theo. Chúng nói thích cách kiếm tiền này.
Vụ thứ hai trơn tru như lần trước nhưng được thực hiện với độ tự tin gấp đôi. Họ có 30.000 USD trong chưa đầy 10 phút.
Lòng tham đã nổi lên. Scott quyết định bỏ công việc kỹ sư và kiếm sống bằng nghề cướp ngân hàng toàn thời gian. Hai con hoàn toàn ủng hộ. Nhưng sáng 8/11/2012, khi chưa kịp ra tay vụ tiếp theo, nhà của Scott bị cảnh sát quận Fort Bend đến gõ cửa.
Hành vi của ba cha con lộ tẩy từ việc Jeff Martin, thám tử kỳ cựu, nghiên cứu video các vụ cướp. Ông thấy rằng áo bảo hộ hai tên cướp mặc không rách nát hay bẩn thỉu, còn nguyên nếp gấp mới bỏ khỏi bao bì.
Thám tử tìm kiếm trực tuyến tới các cửa hàng bán kiểu áo bảo hộ đó, và thấy cửa hàng trên trang web Home Depot. Xem xét các giao dịch mua hàng tại vài chi nhánh Home Depots trong khu vực, Jeff nhận ra, trước vụ cướp, hai chiếc áo như vậy đã được mua tại Home Depot ở Katy bằng thẻ ghi nợ của người tên Scott Catt. Các video của cửa hàng nhận diện một nam thanh niên và cô gái tuổi teen tóc vàng đang mua hàng.
Jeff thẩm vấn Scott đầu tiên, tưởng người cha này phủ nhận song ngược lại. Scott đã nhanh chóng thú nhận tất cả, cả các vụ cướp một mình trước đó ở Oregon. Ông ta hít một hơi sâu, khẳng định: “Tôi làm vậy vì gia đình. Tôi thề với anh, tôi cướp ngân hàng vì gia đình”. Trong khi đó, hai đứa con chỉ khóc thút thít.
Cướp ngân hàng ở Mỹ là một trong những tội phổ biến, trung bình 7-11 vụ mỗi ngày nên vụ cỏn con như của bố con Scott gây ra thường ít được để ý. Nhưng trong câu chuyện này, họ đã làm “dậy sóng” truyền thông Mỹ với biệt hiệu “gia đình đạo chích”.
Gia đình này không giống nhiều thủ phạm cướp ngân hàng khác. Họ không có vấn đề tài chính cấp bách và không có vấn đề cá nhân. Với hàng xóm, bố con họ thân thiện và vô hại. Mỗi tối, cha con ngồi trên mảnh sân nhỏ, tâm sự nhẹ nhàng với chú chó nhỏ chạy vòng quanh.
Luật pháp Texas quy định, kẻ lái xe bỏ trốn phải chịu chung mức án như những người trực tiếp cầm súng đe doạ hay vào ngân hàng vơ vét tiền. Nhưng cảnh sát và công tố viên đều thương cảm cho Abby và thống nhất đề nghị mức án 5 năm, đủ điều kiện ân xá sau 18 tháng.
Hayden lĩnh 10 năm tù và đủ điều kiện ân xá sau 4 năm. Người cha bị phạt 24 năm tù, sẽ đủ điều kiện để xin ân xá khi 62 tuổi. Ông ta nói: “Hy vọng duy nhất của tôi là các con sẽ đến thăm khi chúng rảnh rỗi”.