Những ngày cách ly của người từ ổ dịch lớn nhất Hà Nội

Năm ngày ở khu cách ly tập trung Hòa Lạc cùng 1.200 người phường Thanh Xuân Trung, shipper Nguyễn Văn Phong thấy như được giải thoát dù vẫn chỉ quanh bốn bức tường.

Nhà Phong nằm trong khu tập thể của Nhà máy dụng cụ số 1, phường Thanh Xuân Trung, mỗi tầng có tám căn hộ. Trừ hai căn đầu hồi có cửa sổ, sáu căn ở giữa chỉ có cửa chính. Kể từ khi khu vực này trở thành “ổ dịch siêu lây nhiễm”, tất cả các hộ phải ở trong nhà, đóng kín cửa, nên phải bật điện cả ngày. Căn hộ của chàng trai 28 tuổi rộng hơn 30 m2 nhưng nhà vệ sinh ở ngoài, đi qua ba nhà khác mới tới. Mỗi lần đi vệ sinh, Phong đều phải lén lút “như ăn trộm”.

Hàng chục người dân ngõ 328 ngồi đợi đưa đi cách ly, chiều 1/9. Ảnh:Võ Hải.
Người dân ngõ 328 ngồi đợi đưa đi cách ly, chiều 1/9. Ảnh:Võ Hải.

Chôn chân tại nhà có thể chịu được, nhưng đói thì không. Ngày 23/7, Hà Nội giãn cách theo chỉ thị 16, Phong cũng nghỉ làm. Hai anh em vét túi còn hơn một triệu đồng mua thực phẩm và ít gạo, đủ ăn trong nửa tháng. Những ngày đầu, tiền còn nên tuần đi chợ một lần. Sau 15 ngày, số bữa ăn giảm từ ba xuống hai rồi còn một. Cơm rang trứng chiếm lĩnh bàn ăn, nấu một lần cho cả ngày. Hai thanh niên đói bụng, thường ngủ cho qua bữa. Cuối cùng, Phong cũng phải lên mạng xin cứu trợ. Ngày 23/8, ngõ 328 bị phong tỏa cứng khi liên tiếp ghi nhận F0, anh nhận được lương thực tiếp tế của phường.

Tối 1/9, Phong và em trai cùng khoảng 1.200 người trong khoảng 700 căn hộ tại ngõ 328 và 330, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, được lệnh di dời, giãn dân nhằm ngăn lây lan Covid-19. Chàng trai cảm thấy như được “phóng thích” vì trong khu, những ca F0 liên tục phát sinh, tầng trên tầng dưới đều có.

“Ở lại, ai cũng hít thứ không khí ô nhiễm dịch bệnh mà thấy run khắp người”, Phong nói.

Hai con ngõ này là khu dân cư lâu năm, chung cư cũ ẩm thấp, môi trường không đảm bảo, diện tích chật hẹp, mật độ dân số đông, có khu vực còn sử dụng nhà vệ sinh chung. Đến cuối tháng 8, chỉ riêng hai ngõ 328 và 330 đã có tới 380 người mắc Covid-19, biến Thanh Xuân Trung trở thành ổ dịch lớn nhất thủ đô kể từ khi đại dịch xuất hiện ở Việt Nam, tháng 3/2020.

Tuy nhiên, với gia đình 3 thế hệ với chồng, hai con và người mẹ già như chị Nguyễn Thị Thắm, 37 tuổi, ra khỏi căn hộ 45 m2 không phải là điều dễ dàng trong thời kỳ dịch bùng phát.

“Nghe tin tay chân tôi cứ luống cuống, mắt không dám rời chiếc điện thoại để chờ tin tiếp theo”, chị Thắm kể khi nhận được thông báo chuyển đến khu giãn cách.

Nhóm chat của cư dân trong ngõ cũng “sôi sục”. Trước đây, chỉ F0 hay F1 đi cách ly tập trung. Họ chưa từng thấy cả nghìn người “chưa có nguy cơ” phải ra khỏi nhà bao giờ.

Vợ chồng Thắm phải làm công tác tư tưởng cho mẹ già ngoài 70 cùng hai đứa con 8 tuổi và 5 tuổi. Bọn trẻ nghe tin nhảy cẫng lên vui sướng vì đã lâu chúng không được ra khỏi nhà. Mẹ chồng Thắm bần thần hỏi: “Ở đó có TV không?”, do lo không thể kết nối với thế giới bên ngoài.

Hành trang đến khu giãn cách của chị là sách báo cùng một ít thực phẩm gồm mì tôm, bánh ngọt, hoa quả được mua cho những ngày cách ly tại nhà từ trước.

Hai con trai chị Nguyễn Thị Thắm trong ngày đi giãn cách, sáng 3/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hai con trai chị Nguyễn Thị Thắm trong ngày đi giãn cách, sáng 3/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Đi cách ly cũng là vì sức khỏe mọi người”, vị cán bộ phường gõ cửa từng nhà thông báo, và phát cho mỗi người một bộ quần áo bảo hộ, hẹn giờ lên đường. Đúng 19h ngày 1/9, Phong cùng 14 người khác lên một chiếc xe buýt đến nơi ở mới cách nhà 50 km. Gia đình chị Thắm đi chuyến cuối cùng vào 3/9.

Tại nơi ở mới, buổi sáng đầu tiên anh em Phòng có bánh mì và sữa, trưa được phát cơm hộp có thịt kho và rau xào. Lần đầu sau hơn 20 ngày, họ mới có bữa ăn đủ chất. “Dịch kéo dài, về nhà chẳng được ăn ngon thế này đâu”, Phong quay sang dặn cậu em sinh viên phải ăn hết.

Chế độ của họ giống như của F1 với 80.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, 40.000 đồng cho các nhu yếu phẩm khác. Tất cả đều do ngân sách chi trả.

Khu cách ly nằm trong khuôn viên ký túc xá trường ĐH FPT ở Hòa Lạc gồm 5 tòa nhà với sức chứa 3.000 người. Phòng của anh em Phong rộng hơn 20 m2, có điều hòa, quạt điện. Dân đến đây cách ly được kiểm tra nhiệt độ và test nhanh 2-3 ngày một lần, ai có vấn đề về sức khỏe có thể gọi đường dây nóng.

Bốn ngày qua, tòa nhà nơi Phong ở với hơn 250 người khác chưa phát hiện thêm ca F0 nào, khiến hy vọng ngày trở về của anh càng thêm gần. Hàng ngày, Phong đều dành thời gian đu xà ở ban công, hít khí trời trong lành, thứ được coi là xa xỉ với những người phải sống trong khu vực ẩm thấp lâu ngày.

Gia đình chị Thắm được phân một căn phòng hơn 30 m2 có giường tầng, ban công và phòng vệ sinh khép kín. Khi mới đến, phòng chưa có wifi nên việc đầu tiên người mẹ 32 tuổi làm là nhắn tin cho cô giáo, xin cho con trai học lớp 3 nghỉ học vài buổi.

Trước khi rời nhà, Thắm cũng nhét đầy túi du lịch sách vở và báo chí, mong muốn biến những ngày giãn cách thành quãng thời gian bổ ích cho cả nhà. “Ngồi một chỗ mãi cũng buồn, xem điện thoại nhiều hỏng mắt nên cả nhà thường đọc sách cho nhau nghe”, người mẹ nói về hoạt động những ngày qua của gia đình.

Sáng 5/9, Thắm bật máy tính, cho con lớn tham gia lễ khai giảng trực tuyến. Thấy thằng bé nghiêm trang đứng chào cờ, phía trước màn hình lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, bất giác chị ứa nước mắt.

“Mong ngày không xa các con lại được đến trường, không còn phải nhìn nhau qua máy tính hay điện thoại nữa”, chị nói.

Nguyễn Văn Phong và em trai ăn bữa trưa tại nơi giãn cách thuộc ký túc xá Đại học FPT, hôm 6/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nguyễn Văn Phong và em trai ăn bữa trưa tại nơi giãn cách thuộc ký túc xá Đại học FPT, hôm 6/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chiếc điện thoại cũng là công cụ duy nhất giúp Phong kết nối với thế giới bên ngoài. Trước đây, mỗi lần xem tin tức về Covid-19, tâm trạng anh nhiều lúc hoảng loạn, đặc biệt khi Thanh Xuân trở thành điểm nóng dịch bệnh toàn thành phố. Giờ ở nơi mới, Phong đã bình tĩnh hơn nhiều. Sự bất an của anh được pha loãng dần theo thời gian.

Sáng 6/9, anh shipper thức dậy sớm trong khu cách ly, bước ra ban công tập thể dục. “Ở đây được ăn ngày 3 bữa, không khí thoáng đãng, như đi nghỉ dưỡng”, Phong viết nhật ký lên trang cá nhân.

Phong cũng mong chờ một cuộc sống sau đại dịch, được đi ăn uống với bạn bè và trở lại công việc giao hàng trong thành phố. “Tôi đã sống ở Hà Nội hơn 10 năm và hy vọng nó sớm trở lại tấp nập như xưa”, anh nói.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
homescontents