Những người giao mì một tay đỡ hàng chục chồng bát được kê trên vai, tay còn lại lái xe đạp len lỏi vào từng con phố.
Vào những năm giữa thế kỷ 20, du khách đến thủ đô Nhật Bản không xa lạ gì với hình ảnh người giao mì một tay điều khiển xe đạp, một tay đỡ chồng bát cao ngất ngưởng đặt trên vai. Họ len lỏi vào những con phố, giữa những dòng xe cộ để phục vụ bữa ăn cho khách hàng quen thuộc. Dịch vụ này được gọi là demae. Và những người giao mì thường được ví như những nghệ sĩ xiếc tài ba, khi họ có thể giữ thăng bằng những chồng bát đĩa trên vai mà không bị sánh, đổ hay làm vỡ.
Demae được cho là có nguồn gốc từ giữa thời Edo, vào những năm 1700. Khách hàng của dịch vụ này thường là những người giàu có, các lãnh chúa thời phong kiến. Họ sẽ cử người hầu của mình tới báo cho chủ nhà hàng biết những món mình muốn ăn, và được giao tới tận nhà.
Theo thời gian, demae phát triển thành một tập tục phổ biến hơn ở mọi tầng lớp xã hội: từ nhân viên văn phòng đến sinh viên… Một trong những món ăn phổ biến nhất, được mọi người gọi giao hàng nhiều nhất là mì soba. Đây là món mì có thể ăn nguội cùng nước sốt, hoặc ăn nóng với nước dùng. Món ăn có giá cả phải chăng, và có thể mang đi khắp nơi mà không bị mất đi hương vị, hay ảnh hưởng hình thức.
Công việc giao mì được đánh giá là nguy hiểm, đòi hỏi sự kinh nghiệm và kỹ năng chuyên nghiệp của người giao hàng. Thường những người giao hàng này được yêu cầu mang đi cùng lúc hàng chục đơn hàng, và phương tiện của họ chỉ là đi bộ hoặc xe đạp. Trên những chuyến đi này, người giao hàng mang đến cả trăm chiếc bát, bằng cách xếp chồng các bát mì và súp một cách khéo léo lên nhau. Những chồng bát này có thể cao tới 1,5 m. Khi di chuyển, một tay họ lái xe, tay kia nhẹ nhàng giữ lấy hàng hóa quý giá của mình. Vì công việc đòi hỏi kỹ năng vô cùng khó này, nhiều thực khách đã gọi vui rằng, đây thực sự là các “cao thủ” giao hàng.
Trong một bài báo đăng trên Reuters năm 1961 có nói về luật giao thông ở Nhật Bản bấy giờ, các quan chức từ Phòng Giao thông thuộc Sở cảnh sát vùng thủ đô Tokyo cho biết việc vừa đi xe đạp vừa chở mì soba trên vai là nguy hiểm. Trên quan điểm an toàn giao thông đường bộ, điều này là cấm kỵ. “Nhưng chúng tôi sẽ không đặt bất kỳ một hạn chế nào nghiêm ngặt, vì như vậy sẽ khiến các nhà hàng mất đi nửa lượng khách”.
Và trong thời kỳ đó, phần nào những người giao mì soba này thường được cảnh sát “châm chước” cho qua khi xuất hiện trên đường phố. Tuy nhiên, ngày nay, dịch vụ giao hàng này đã gần như biến mất và được thay thế bằng phương pháp giao thực phẩm an toàn, hiệu quả hơn.