Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đi đầu công nghệ năng lượng sạch

Đặc phái viên John Kerry khẳng định Mỹ sẵn sàng thực hiện các dự án hợp tác để giúp Việt Nam phát triển năng lượng sạch khi điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách biến đổi khí hậu John Kerry nhận định Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong phát triển năng lượng sạch và tái tạo, bao gồm thủy điện, điện khí, điện gió và điện mặt trời, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Ông Kerry khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về công nghệ năng lượng sạch và năng lượng tái tạo bằng các dự án hợp tác cụ thể.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định mong muốn Việt Nam phát huy thêm vai trò trong đối phó khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc điện đàm với  đặc phái viên của tổng thống Mỹ phụ trách biến đổi khí hậu John Kerry ngày 8/10. Ảnh: Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc điện đàm với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách biến đổi khí hậu John Kerry ngày 8/10. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quyết tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó khủng hoảng khí hậu.

Thủ tướng khẳng định cam kết ứng phó mạnh mẽ với biến đổi khí hậu của Việt Nam, bao gồm chú trọng chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon, xây dựng lộ trình giảm mạnh phụ thuộc vào điện than và tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp giảm nhẹ phát thải khí methan, cắt giảm lượng khí nhà kính và phát triển năng lượng bền vững. Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh, bao gồm tẩy độc dioxin, nhằm góp phần làm sạch môi trường và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đặc phái viên John Kerry nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường mạnh mẽ hơn các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có hỗ trợ tài chính, công nghệ và năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau đạt mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận