Mỹ cho rằng vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên đe dọa khu vực, trong khi Nhật Bản bày tỏ lo ngại và đang theo dõi tình hình.
“Hoạt động này nhấn mạnh mục tiêu phát triển chương trình quân sự không ngừng nghỉ của Triều Tiên, cũng như cho thấy những mối đe dọa nhằm vào các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc quân đội Mỹ ra thông cáo hôm nay, đề cập vụ Triều Tiên thử tên lửa hành trình tầm xa.
Lầu Năm Góc cho biết đang giám sát tình hình, liên tục tham vấn các đồng minh và đối tác. “Cam kết của Mỹ với phòng thủ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn không lay chuyển”, thông cáo có đoạn.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết Tokyo lo ngại trước thông tin Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa, thêm rằng Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để theo dõi các diễn biến tiếp theo.
Triều Tiên thông báo phóng thử một loại tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần qua, gọi đây là vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Quả đạn di chuyển trong 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trên lãnh thổ và lãnh hải Triều Tiên, sau đó bắn trúng mục tiêu cách 1.500 km.
Theo hình ảnh vụ phóng được công bố trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, bệ phóng tên lửa được đặt trên khung gầm xe tải với 5 ống phóng giống hệ thống pháo phảo lực khổng lồ được Bình Nhưỡng công bố năm ngoái. Ảnh chụp trên không cho thấy quả đạn có đầu tròn, hình trụ dài với hai cánh nâng chính và ba cánh lái ở đuôi, tương đồng với nhiều mẫu tên lửa hành trình tầm xa trên thế giới.
Giới chuyên gia nhận định loại tên lửa mới sẽ tăng cường đáng kể năng lực tiến công của Triều Tiên nhờ tầm bắn xa, khả năng lẩn tránh radar, xuyên thủng lưới phòng không đối phương và mang được đầu đạn hạt nhân. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không cấm Bình Nhưỡng thử tên lửa hành trình.
Vụ phóng thử diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc duyệt binh quy mô ở Bình Nhưỡng kỷ niệm 73 năm quốc khánh Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên nước này phóng thử tên lửa kể từ tháng ba. Bình Nhưỡng chưa thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kể từ năm 2017.
Triều Tiên đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Sung Kim, đặc phái viên về Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gặp các đối tác Triều Tiên “ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào”.