Giới chức Mỹ phát cảnh báo, khuyến cáo công dân không đến Đức và Đan Mạch do lo ngại Covid-19 bùng phát.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm qua nâng khuyến cáo đi lại với Đức, Đan Mạch lên “Mức 4: Rất cao” và khuyến cáo công dân Mỹ tránh đến hai nước này, trong khi Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu công dân “không đến Đức và Đan Mạch vì Covid-19”.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh một số nước châu Âu đang ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao kỷ lục, khiến giới chức phải ban hành các lệnh phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. CDC đang áp khuyến cáo cấp 4 với 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm nhiều nước châu Âu như Áo, Anh, Bỉ, Hy Lạp, Na Uy, Thụy Sĩ, Romania và Cộng hòa Czech.
Đức là vùng dịch lớn thứ 9 thế giới với 5.418.681 ca nhiễm và 99.817 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 40.489 và 204 ca. Đan Mạch hôm qua cũng ghi nhận thêm 3.711 ca nhiễm nCoV và 6 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 453.802 và 2.816.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết Covid-19 ở nước này đã trở thành “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và không loại trừ khả năng tái áp đặt phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 22/11 cho rằng những biện pháp hạn chế hiện nay là chưa đủ để kiểm soát đà lây nhiễm nCoV và cần các hành động mạnh hơn.
Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo châu Âu có thể ghi nhận thêm 500.000 ca tử vong vì Covid-19 tính đến tháng 3/2022 nếu không hành động khẩn cấp. Ông giải thích rằng những yếu tố như mùa đông, thời điểm các bệnh truyền nhiễm thường gia tăng, tỷ lệ bao phủ vaccine chưa đủ và biến chủng Delta chiếm ưu thế dẫn đến gia tăng số ca nhiễm nCoV.
“Covid-19 một lần nữa trở thành nguyên nhân gây tử vong số một tại châu Âu. Chúng ta đều biết cần phải làm gì để chống lại dịch bệnh”, Kluge cho hay. Ông kêu gọi thúc đẩy tiêm chủng, thực hiện các biện pháp y tế công cộng cơ bản, phát triển những phương pháp điều trị bệnh mới, nói thêm rằng tăng cường đeo khẩu trang có thể giúp ích ngay lập tức.
Thế giới đã ghi nhận 258.239.658 ca nhiễm nCoV và 5.169.260 ca tử vong, tăng lần lượt 429.455 và 5.299, trong khi 231.906.747 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.