Mỹ yêu cầu nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman ở lại Địa Trung Hải để trấn an đồng minh châu Âu, khi căng thẳng với Nga gia tăng.
Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm qua cho biết tàu sân bay USS Harry S. Truman và nhóm chiến hạm hộ tống vẫn đang hoạt động ở vùng biển nằm giữa Hy Lạp và Italy thuộc Địa Trung Hải, thay vì vượt kênh đào Suez để tới Trung Đông như kế hoạch trước đây.
“Hoạt động cắm chốt này được tiến hành theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với an ninh khu vực và trấn an các đồng minh châu Âu”, quan chức này cho hay.
Đại úy Bill Speaks, phát ngôn viên Bộ tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ, xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay Truman sẽ làm nhiệm vụ tại khu vực do Hạm đội 6 hải quân Mỹ phụ trách. Ông từ chối bình luận về các hoạt động trong tương lai vì “những đợt triển khai thường mang tính linh động và cần bảo đảm bí mật nhiệm vụ”.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Truman tiến vào Địa Trung Hải hôm 14/12 và ban đầu lên kế hoạch rời khu vực này vào cuối tháng 12. Các chiến hạm đã cập cảng ở vịnh Souda của Hy Lạp trước khi thay đổi kế hoạch, trong khi tàu tuần dương USS San Jacinto tách khỏi nhóm tác chiến và rời Địa Trung Hải, cập cảng Rota ở Tây Ban Nha cuối tuần trước.
Thông tin được công bố trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine gần đây leo thang, biến điểm nóng này thành một “ngòi nổ” xung đột ở châu Âu. Giới chức phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.
Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng “vô căn cứ”, khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/12 cho rằng NATO đã ép Nga tới sát lằn ranh và khiến Moskva không còn đường lùi, cảnh báo nước này có nhiều phương án đáp trả nếu phương Tây khước từ các đề xuất bảo đảm an ninh.