Lý do tỷ lệ ủng hộ Biden giảm kỷ lục

Quyết định rút quân khỏi Afghanistan, chia rẽ đảng phái, Covid-19 vẫn hoành hành đe dọa phục hồi kinh tế khiến nhiều người Mỹ ngày càng thất vọng với Biden.

5 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hôm 20/1, Morning Consult công bố kết quả thăm dò cho thấy 56% cử tri hài lòng với hiệu suất công việc của ông, cao hơn mức người tiền nhiệm Donald Trump đạt được trong suốt nhiệm kỳ 4 năm.

Nhưng 10 tháng sau, khảo sát được FiveThirtyEight công bố ngày 24/11 cho thấy 51% người Mỹ cho rằng Biden không hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo đất nước. Tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức 43%.

Trong cuộc thăm dò được David Paleologos, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Đại học Suffolk, bang Massachusetts, công bố trên USA Today hôm 7/11, tỷ lệ ủng hộ Biden thậm chí giảm xuống 37,8%, mức thấp kỷ lục kể từ khi ông nhậm chức.

Đây chắc chắn không phải những số liệu mà Biden mong đợi trong tuần mà ông thông báo ý định tái tranh cử tổng thống năm 2024. Tỷ lệ ủng hộ của Biden đang ở mức thấp hơn ba người tiền nhiệm đảng Dân chủ, gồm Barack Obama, Bill Clinton và Jimmy Carter cùng thời kỳ.

Clodagh Harrington, phó giáo sư chính trị Mỹ tại Đại học De Montfort, Anh cho rằng nguyên nhân đầu tiên là do nhiệm kỳ Biden có một khởi đầu đầy biến động. Cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1 của những người ủng hộ Trump đã gây không khí căng thẳng bao trùm lễ nhậm chức của Biden, tạo cảm giác nền dân chủ Mỹ bị đe dọa.

Trong bầu không khí đó, thuyết phục được 47% cử tri từng bỏ phiếu cho Trump là nhiệm vụ rất khó khăn với Biden, nhất là khi kết quả bầu cử tổng thống vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở nước Mỹ.

Ngoài khởi đầu biến động, tỷ lệ ủng hộ của Biden cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác. Trong đó, quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan được xem là bước ngoặt khiến tỷ lệ tín nhiệm của ông chủ Nhà Trắng sụt giảm mạnh.

Dù Biden nhiều lần bày tỏ không ủng hộ kéo dài hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan và công chúng Mỹ phần lớn ủng hộ rút quân, chiến dịch rút lui đầy hỗn loạn và đổ máu đã gây chấn động cả nước Mỹ và trên thế giới, theo Harrington.

“Trong những tuần tiếp theo, tỷ lệ ủng hộ của Biden tiếp tục giảm. Nhưng Afghanistan không phải là lý do duy nhất”, phó giáo sư Harrington cho hay.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Detroit, bang Michigan hôm 17/11. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Detroit, bang Michigan hôm 17/11. Ảnh: Reuters.

Trong quá trình vận động tranh cử, Biden cam kết sẽ đưa nước Mỹ “bình thường trở lại” bằng cách thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng và đánh bại Covid-19. Nhưng 11 tháng sau khi ông nắm quyền, chiến dịch tiêm chủng vẫn chưa thể đạt được mốc 70% dân số Mỹ, đại dịch vẫn hoành hành. Mối đe dọa về kinh tế và sức khỏe cộng đồng vẫn khá lớn, khi 40% dân số Mỹ trên 12 tuổi chưa tiêm chủng.

Nỗ lực của Biden áp quy định tiêm chủng bắt buộc với nhân viên liên bang, các nhà thầu hay nhân viên công ty lớn ở Mỹ vấp nhiều trở ngại, khi nhiều người Mỹ hoài nghi vaccine và coi lệnh tiêm chủng bắt buộc là vi phạm quyền tự do của họ.

“Quy định bắt buộc của chính phủ không phù hợp với người Mỹ”, Harrington nhận định.

Covid-19 đã trở thành vấn đề đặc biệt phân cực ở Mỹ. Trình trạng chia rẽ đảng phái từ cuộc bầu cử đã lan sang lĩnh vực y tế, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các biện pháp kiểm soát dịch ở Mỹ, khi nhiều người Cộng hòa không chịu tuân thủ khuyến nghị an toàn như đeo khẩu trang hay tiêm vaccine.

Sau 22 tháng cuộc sống bị gián đoạn vì Covid-19, nhiều người Mỹ có thể đã quên cách Covid-19 bùng phát và nhanh chóng vượt kiểm soát trong nhiệm kỳ của Trump như thế nào.

“Chính quyền Trump không quan tâm lên kế hoạch cho các rủi ro trong tương lai. Kết quả là, người kế nhiệm của ông thừa hưởng một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đầy thách thức”, Harrington cho hay.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi các đối thủ của Biden tìm cách khoét sâu chia rẽ liên quan đến vaccine hay biện pháp chống dịch để “ghi điểm” với các cử tri bảo thủ. Thống đốc một số bang Cộng hòa đã từ chối thi hành chính sách bắt buộc tiêm chủng hay xét nghiệm của Biden, thậm chí 10 bang đã kiện lên tòa để thẩm phán ra phán quyết chặn quy định này.

Trong bối cảnh đó, tốc độ phục hồi nền kinh tế đáng thất vọng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ lệ ủng hộ của Biden, khi nó không đủ để xoay chuyển làn sóng thất nghiệp và lạm phát tăng ở Mỹ giữa đại dịch.

Những vấn đề trong nội bộ đảng Dân chủ cũng là nỗi đau đầu với Biden. Dù tranh cãi nội bộ không phải điều mới lạ, Biden phải tìm cách kiềm chế phe cấp tiến trong đảng, đồng thời phải đối phó với ảnh hưởng không nhỏ của những người bảo thủ.

Thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin, thành viên Dân chủ, đã không chấp nhận chương trình nghị sự khí hậu đầy tham vọng của Biden ngay đêm trước hội nghị thượng đỉnh COP26 tại Glasgow. Kết quả Biden đã tham gia hội nghị quan trọng với một chương trình bị cản trở bởi chính thành viên trong đảng của mình.

Duy trì hình ảnh một đảng viên Dân chủ ôn hòa luôn là thách thức lớn với Biden, bởi chính sách này khiến ông gần như không làm hài lòng bất kỳ bên nào, theo Harrington. “Thách thức chính trị mà Biden phải đối mặt vẫn còn rất khó khăn”, Harrington nhận định.

Biden đang phải lèo lái một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, thậm chí không thể đoàn kết trong một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ. Thông tin sai lệch về bầu cử, vaccine tràn lan và làm suy yếu đoàn kết xã hội Mỹ.

Harrington cho rằng trong hoàn cảnh đó, thật khó để một tổng thống có thể đạt kết quả tốt trong các cuộc thăm dò dư luận. Phó giáo sư Anh cho rằng tình hình thậm chí có thể tệ hơn nếu người đứng đầu nước Mỹ là một người không có quan điểm trung lập như Biden.

Biden cũng từng tỏ ra không quan tâm nhiều tới kết quả các cuộc thăm dò dư luận, cho rằng chúng “lên rồi lại xuống”. Harrington cũng nhận định tỷ lệ hiện tại với Biden không phải là một kết quả quá tệ, nhưng Tổng thống Mỹ “sẽ cần mức ủng hộ cao hơn nếu thực sự muốn tái tranh cử vào năm 2024”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận