Sau khi nước Anh công bố luật mới nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ như Facebook, Tiktok, Twitter… đã đưa ra các chính sách mới có phạm vi áp dụng trên toàn cầu nhằm bảo vệ trẻ em.
Thiết kế theo độ tuổi
Từ đầu tháng 9/2021, bộ luật mới của Vương quốc Anh về bảo vệ trẻ em trên không gian số chính thức có hiệu lực. Bộ luật mới có tên gọi “Luật thiết kế phù hợp với độ tuổi”, theo đó các công ty công nghệ sẽ buộc phải đưa ra các thiết kế, tiêu chuẩn công nghệ phù hợp với các độ tuổi khác nhau hoặc phải đặc biệt chú trọng đến những người dùng trẻ tuổi và sử dụng các thuật toán hay các công nghệ nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị xâm hại về đời tư, về hình ảnh của những người dùng trẻ tuổi.
Ngay cả những thủ thuật công nghệ có tính chất khuyến khích trẻ em bỏ qua những quy tắc bảo mật hay thu thập các dữ liệu về người dùng trẻ tuổi cũng sẽ bị cấm. Các công ty công nghệ không tuân thủ bộ luật mới này có thể sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng nề của chính phủ Anh, về cả tài chính lẫn pháp lý, với các mức phạt cao nhất có thể lên tới 4% doanh thu toàn cầu.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Priti Patel cũng công bố một quỹ nhằm trao thưởng cho những sáng kiến công nghệ giúp bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục trên mạng. Những sáng kiến được giải sẽ nhận thưởng 85.000 bảng Anh. Đây cũng chính là một phần trong những sáng kiến mà nước Anh đã đưa ra tại Thượng đỉnh G7 năm nay, với vai trò là nước Chủ tịch và chủ nhà của Thượng đỉnh G7 năm 2021.
Dư luận Anh đều ủng hộ mạnh mẽ các chính sách mới bởi từ nhiều năm qua, nước Anh vẫn luôn tự hào là một trong những nước đi đầu trong việc bảo vệ sự an toàn cho trẻ em trên không gian số.
Thủ tướng Anh Boris Johnson từng tuyên bố, mục tiêu của những bộ luật mới là biến nước Anh thành đất nước an toàn nhất cho những người tham gia vào không gian mạng, đặc biệt là trẻ em.
Các “ông lớn” bắt đầu thay đổi hành vi
Đang có những động thái trong thế giới công nghệ cho thấy việc các công ty công nghệ phải tuân thủ quy định mới của Anh về việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội có thể mở đầu cho những thay đổi mang tính hệ thống mà các công ty này phải áp dụng trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi nước Anh công bố luật mới nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ như Facebook, Tiktok, Twitter… đã đưa ra các chính sách mới có phạm vi áp dụng trên toàn cầu nhằm bảo vệ trẻ em.
Ví dụ, Tiktok đã cho tắt tính năng thông báo sau giờ ngủ, Instagram đã vô hiệu các quảng cáo có định hướng nhằm vào người dùng dưới 18 tuổi, YouTube đã tắt tính năng bật tự động đối với người dùng là trẻ vị thành niên. Một loạt các hãng công nghệ khác cũng đang nhanh chóng sửa đổi các tính năng được cho là tổn hại đến trẻ em và việc điều chỉnh này được áp dụng trên toàn cầu chứ không chỉ tại riêng nước Anh, nơi có bộ luật vừa ra đời
Điều này cho thấy, vấn đề về bảo mật thông tin, về sự an toàn của trẻ em khi tham gia không gian mạng đang ngày càng thu hút sự quan tâm lớn của tất cả các quốc gia và các hãng công nghệ buộc phải thay đổi hành vi nếu không muốn nhận những án phạt nặng.
Trong nhiều năm qua, bên cạnh rất nhiều tác dụng tích cực, không gian mạng cũng đặt ra quá nhiều rủi ro cho người dùng, đặc biệt là người dùng nhỏ tuổi, từ việc bị xâm hại đời tư, xâm hại hình ảnh đến việc bị tác động tiêu cực bởi các nội dung xấu, độc, rồi việc bị chìm ngập trong thế giới ảo trên mạng.
Rất nhiều nước đã lên tiếng báo động về tình trạng này và theo các chuyên gia, hiện tại đã đến lúc chính phủ các nước cần hợp tác để tạo ra một sức ép đủ lớn, một sự răn đe mạnh về pháp lý và tài chính với các tập đoàn công nghệ khổng lồ đa quốc gia, để buộc các tập đoàn này chấn chỉnh tình trạng hoang dã trên thế giới số. Việc một quốc gia có vai trò lớn như Anh đi đầu trong các bước đi này là dấu hiệu tích cực.