Giá nhiên liệu tăng kéo lạm phát tại các nước châu Âu lên gần 5% tháng trước.
Eurostat – cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) cho biết lạm phát tháng 11 tại 19 nước sử dụng đồng euro đã chạm 4,9% . Đây cũng là tốc độ cao nhất kể từ năm 1997 – thời điểm EU bắt đầu thu thập số liệu để chuẩn bị cho việc ra mắt đồng euro. Hồi tháng 10, số liệu này là 4,1%.
Nguyên nhân chủ yếu là giá nhiên liệu tăng cao. Theo ước tính ban đầu của Eurostat, giá nhiên liệu tăng 27,4% trong tháng 11. Lạm phát mảng dịch vụ là 2,7%.
“Lạm phát tăng tốc vẫn chủ yếu do giá năng lượng cao. Tuy nhiên, lạm phát lõi cũng ghi nhận mức tăng mạnh, có thể liên quan đến giá các gói du lịch tại Đức tăng vọt”, Katharina Koenz – nhà kinh tế học tại Oxford Economics cho biết.
Số liệu trên được công bố chỉ một ngày sau khi Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – ước tính CPI nước này tăng 5,2% tháng trước. Hồi tháng 9, lạm phát của Đức lần đầu vượt 4% trong gần 30.
Lạm phát đang làm dấy lên câu hỏi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ làm gì trong cuộc họp chính sách tiếp theo. Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos tuần trước cho biết cơ quan này vẫn giữ kế hoạch chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu vào tháng 3/2022. Dù vậy, nhà đầu tư muốn biết ECB sẽ điều chỉnh các công cụ khác như thế nào.
“Biến chủng Omicron đang làm tăng mức độ bất ổn. Nhưng hiện tại, chúng tôi cho rằng tác động của nó lên lạm phát sẽ là rất nhỏ”, Jack Allen-Reynolds – kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics nhận xét.
Rupert Thompson – Giám đốc Đầu tư tại hãng quản lý tài sản Kingswood cho biết số liệu mới nhất có thể khiến ECB phải giảm quy mô kích thích tiền tệ. “Lạm phát tại eurozone năm tới sẽ cao hơn khá nhiều mục tiêu 2%. Những con số này sẽ khiến ngân hàng trung ương khó khăn hơn trong việc điều chỉnh chương trình kích thích và hoãn tăng lãi suất đến năm 2023”, ông nói.