Bi kịch của nữ hoàng sắc đẹp với người chồng bác sĩ

Muốn cứu vãn hôn nhân, Michele MacNeill đồng ý phẫu thuật thẩm mỹ theo sắp xếp của chồng mà không biết đó là âm mưu rũ bỏ cô, đến với người tình.

Michele MacNeill sinh năm 1957 tại Concord, California, trong một gia đình giàu có. Cô nổi tiếng ở trường vì ngoại hình xinh đẹp, học giỏi, có tài chơi violin và làm người mẫu. Ở tuổi 19, Michele tham gia cuộc thi Miss Concord và giành vương miện nữ hoàng sắc đẹp.

Năm 1977, khi vừa tròn 20, Michele gặp Martin MacNeill, hơn cô một tuổi, tại sự kiện dành cho người trẻ độc thân của hội tôn giáo. Chỉ một năm sau, hai người kết hôn. Michele lần lượt sinh bốn đứa trẻ trong năm năm. Cả hai nhận nuôi thêm bốn người con, ba trong số đó đến từ Ukraine. Tám đứa trẻ gồm: Rachel, Vanessa, Alexis, Damian, Giselle, Elle, Sabrina và Ada. Đại gia đình nhà MacNeill chuyển đến sống ở Pleasant Grove, Utah vào năm 2006.

Michele và Martin thời trẻ. Ảnh: ABC
Michele và Martin thời trẻ. Ảnh: ABC

Martin MacNeill cho người khác ấn tượng là người đàn ông điển trai nhưng ngạo mạn, luôn giới thiệu mình là bác sĩ kiêm luật sư. Trong nhiều năm, Martin làm việc tại nhiều bệnh viện và phòng khám trong tiểu bang. Năm 2000, ông ta được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc y tế của Trung tâm Phát triển bang Utah. Martin được các con ngưỡng mộ và kính trọng, con gái thứ ba – Alexis còn muốn trở thành bác sĩ giống bố.

Tuy nhiên, vợ con nhận ra sự thay đổi của Martin khi bước sang tuổi 50. Ông ta trở nên ám ảnh về ngoại hình và cân nặng, đi nhuộm da rám nắng. Tháng 2/2007, Michele liên tục chất vấn chồng vì nghi ngờ ngoại tình. Nhưng Martin xoay ngược vấn đề, gợi ý cô cũng nên tu sửa ngoại hình.

Martin thúc giục vợ phẫu thuật nâng cơ mặt toàn diện và Michele được cho là đã đồng ý vì nghĩ rằng sẽ giúp ích cho cuộc hôn nhân.

Ngay trước khi phẫu thuật, Martin đưa cho bác sĩ Scott Thompson danh sách thuốc, yêu cầu kê cho Michele. Chúng bao gồm Valium, Ambien, Phenergan, Percocet và Lortab – tất cả ức chế hệ thần kinh trung ương, không bao giờ được dùng cùng một lúc.

Michele phẫu thuật vào ngày 3/4/2007 và được xuất viện vào hôm sau. Đêm đầu tiên trở về nhà tĩnh dưỡng, Martin bảo con gái Alexis rời đi để tự chăm lo thuốc men cho vợ. Sáng hôm sau, Alexis phát hiện mẹ nằm im lìm, Martin thừa nhận đã cho vợ uống quá nhiều thuốc. Vì thế, nữ sinh trường y yêu cầu được đảm nhận việc cho mẹ uống thuốc trong suốt kỳ nghỉ.

Vài ngày tiếp theo, Michele có vẻ hồi phục tốt. Nhưng trước khi Alexis trở lại trường, Michele khóc và nói với con gái một câu ớn lạnh: “Nếu có bất cứ điều gì xảy ra với mẹ, nhất định là bố của con làm”.

Ngày 11/4/2007, Martin vẫn đi làm bình thường, đón con gái út Ada từ trường về nhà vào buổi trưa. Ông ta bảo con gái đi xem mẹ, còn mình vào phòng bếp. Ada chạy vào phòng tắm và phát hiện mẹ nằm trong bồn, không còn sự sống.

Sau đó, Heidi Johnson, nhân viên trực tổng đài 911 nhận được cuộc gọi kỳ lạ của Martin. Ông ta la hét cuồng loạn về việc vợ rơi vào bồn tắm, không còn ý thức, không còn thở, rồi cúp máy.

Sáng hôm đó, Alexis gọi điện cho mẹ và thấy bà vẫn ổn. Nhưng chưa đầy một tiếng sau, cô nhận được tin nhắn kỳ lạ từ bố bảo gọi cho mẹ ngay. Khi Alexis cố gắng liên lạc với mẹ, Martin là người bắt máy và thông báo: “Mẹ của con. Bà ấy đang ở trong bồn tắm. Bà ấy không thở. Bố đã gọi xe cấp cứu”. Suy nghĩ đầu tiên trong đầu Alexis lúc đó là bố đã giết mẹ.

Alexis muốn đếm lượng thuốc còn lại để xem mẹ cô đã uống bao nhiêu, nhưng phát hiện Martin đã nhờ người xả những viên thuốc còn lại xuống bồn cầu, với lý do nhìn chúng khiến ông ta thấy buồn.

Tuy nhiên, cảnh sát không thẩm vấn các thành viên trong gia đình và tin lời của Martin rằng đó là một tai nạn. Họ khép lại vụ án chưa đầy hai tháng sau cái chết của Michele với bản báo cáo ngắn ngủi. Giám định y khoa phán quyết cái chết là tự nhiên, do bệnh tim mạch.

Nhưng Alexis đã có manh mối. Khoảng một tháng trước khi Michele qua đời, theo yêu cầu của mẹ, cô đã đăng nhập vào điện thoại của Martin khi ông ta ngủ, in ra tất cả dữ liệu điện thoại. Họ tìm thấy một số liên lạc được gọi rất nhiều ghi tên Gypsy Jillian Willis.

Martin vui vẻ bên người tình Gypsy sau khi vợ qua đời. Ảnh: ABC
Martin vui vẻ bên người tình Gypsy sau khi vợ qua đời. Ảnh: ABC

Martin và Gypsy quen nhau trên mạng. Ông ta chủ động gửi tin nhắn làm quen và để lại ấn tượng về vẻ ngoài cao ráo, điển trai và giỏi ăn nói. Gypsy biết Martin đã kết hôn nhưng không quan tâm bởi không tìm kiếm mối quan hệ nghiêm túc.

Martin chôn cất Michele chỉ ba ngày sau khi cô qua đời, cấm nhiều người nhà vợ tham dự. Nhưng Gypsy lại có mặt trong đám tang.

Chị cả Rachel và Alexis tình nguyện chăm sóc các em, nhưng Martin vội dẫn Gypsy về nhà làm bảo mẫu, chỉ vài tuần sau cái chết của Michele, bất chấp Alexis phản đối. Gypsy chuyển đến giúp đỡ bọn trẻ và ngủ với người tình khi có cơ hội.

Alexis bị bố đe dọa tống ra khỏi trường y nếu chống lại ông ta. Sau đó Alexis và Rachel bị đuổi ra khỏi nhà vì không tử tế với Gypsy.

Martin bí mật sắp xếp để một gia đình khác nhận ba con gái út làm con nuôi. Ông ta cũng thu xếp để người con thứ năm – Giselle, lúc đó mới 16 tuổi, trở về Ukraine và không cho quay lại Mỹ.

Martin và Gypsy đánh cắp danh tính của Giselle khi cô bị đưa đi. Gypsy dùng danh tính mới để gian lận số an sinh xã hội, thẻ căn cước và giấy khai sinh. Khi cặp kè với Martin, Gypsy nợ rất nhiều tiền thuế, khoảng 50.000 USD hoặc 60.000 USD.

Gypsy sử dụng danh tính Jillian Giselle MacNeill. Martin tuyên bố cô là vợ và những lúc khác lại là con gái. Bộ đôi lấy ngày kết hôn là 14/4/2007, cũng là ngày chôn cất Michele. Ông ta còn chuyển nhượng căn nhà do Michele đứng tên cho Gypsy.

Chị gái của Michele, Linda Cluff, phát hiện Giselle vẫn chưa trở về từ Ukraine. Cô nhờ con gái Jill Harper đến tìm và phát hiện Giselle đang sống trong điều kiện tồi tệ.

Sau khi âm mưu giả mạo danh tính bị phanh phui, Martin và Gypsy bị bắt, bị kết tội trộm cắp danh tính và gian lận năm 2009.

Nhưng cái chết của Michele vẫn khiến gia đình cô không thể nguôi ngoai. Họ tiếp tục đấu tranh để yêu cầu điều tra thêm. Alexis cố gắng đến gặp chính quyền, văn phòng thống đốc, tìm đến từng tờ báo ở Utah, xin ai đó lắng nghe rằng mẹ cô bị sát hại.

Sức ép của gia đình cuối cùng cũng có kết quả. Doug Witney và Jeff Robinson, điều tra viên của Văn phòng Công tố hạt Utah, được giao nhiệm vụ điều tra. Doug tìm hiểu lý lịch của Martin từ thời đại học, phát hiện toàn bộ sự nghiệp của ông ta dựa vào hai bảng điểm giả mạo từ các trường cao đẳng để được nhận vào trường y. Martin còn gian lận tiền trợ cấp của chính phủ, trộm cắp giá trị lớn, phải ngồi tù 180 ngày vào năm 1978, sau khi kết hôn với Michele.

Điều tra viên thuyết phục thành công văn phòng giám định y khoa của bang xem xét lại bản báo cáo về chất độc của Michele. Bác sĩ Todd Gray phát hiện rằng không có loại thuốc nào được tìm thấy trong cơ thể cô ở mức độc hại, nhưng sự kết hợp của Promethazine (Phenergan), Zolpidem (Ambien), Diazepam (Valium) và Oxycodone (Percocet) “có thể dẫn đến an thần và rối loạn nhịp tim, tử vong”.

Theo báo cáo mới, cách thức tử vong của Michele đã được thay đổi vào ngày 6/10/2010, từ “tự nhiên” thành “không xác định” và nguyên nhân là “ảnh hưởng kết hợp của bệnh tim và ngộ độc thuốc”.

Tháng 7/2012, Martin ra tù sau khi thụ án ba năm vì tội lừa đảo. Sau chưa đầy hai tháng được tự do, Martin bị bắt với cáo buộc giết vợ. Ngày 17/10/2013, Martin ra tòa vì tội giết Michele.

Scott Thompson, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho Michele, nói rằng Martin yêu cầu viết đơn thuốc theo ý anh ta và nói sẽ tự chăm sóc vợ vì cũng là bác sĩ. Scott nói không bao giờ nghĩ bệnh nhân dùng tất cả loại thuốc trong đơn cùng lúc.

Alexis làm chứng rằng mẹ cô từng nói Martin tiếp tục cho bà uống thuốc dù không muốn. Khi bị băng kín mắt, bà đã yêu cầu được sờ từng viên thuốc để biết chồng đưa thuốc gì.

Damian, con trai duy nhất của nhà MacNeill và bạn gái Eileen Heng, cũng ở nhà vào ngày xảy ra án mạng. Eileen khai rằng Martin yêu cầu cô xả thuốc của vợ xuống bồn cầu với lý do giữ kín chuyện phẫu thuật thẩm mỹ.

Một trong những người tình trước đây của Martin, Anna Osborne Walthall, tiết lộ ông ta từng “khoe khoang về cách có thể gây ra một cơn đau tim, nhưng làm cho nó giống như tự nhiên”.

Jason Poirier, người từng trông coi Martin tại nhà tù địa phương trước khi ra tòa, làm chứng rằng Martin đã giải thích cho anh ta lý do và cách thức giết vợ. Đó là vì Michele không chấp nhận để chồng tiếp tục lừa dối mình. Martin nói đã cho vợ một ít thuốc ngủ và đặt cô vào bồn tắm.

Ngày 9/11/2013, hơn sáu năm sau cái chết của Michele, bồi thẩm đoàn kết luận Martin phạm tội giết người và cản trở công lý. Ông ta bị kết án tù chung thân với thời hạn tối thiểu để được ân xá là 15 năm.

Martin MacNeill cười tươi vào ngày cuối cùng của phiên tòa xét xử vụ án giết người của ông ta ở Provo, Utah, ngày 8/11/2013. Ảnh: AP
Martin MacNeill cười tươi vào ngày cuối cùng của phiên tòa xét xử vụ án giết người ở Provo, Utah, ngày 8/11/2013. Ảnh: AP

Gypsy không phải đối mặt với cáo buộc giết người. Công tố viên tin rằng Gypsy là động cơ để Martin giết vợ, nhưng không thể chứng minh cô có liên quan, với vai trò là người tham gia trực tiếp hay biết trước về âm mưu.

Ngày 9/4/2017, sau khi thụ án được hai năm rưỡi, Martin tự tử trong tù.

Alexis hiện đã trở thành bác sĩ và có gia đình riêng. Cô đổi họ từ MacNeill thành họ thời con gái của mẹ cô, Somers, và nhận nuôi các em gái Elle, Sabrina, Ada. Dòng chữ “vợ của Martin” cũng bị xóa khỏi tấm bia mộ của Michele mãi mãi.

Vụ án của Michele MacNeill được nhắc đến trong nhiều chương trình truyền hình, phim tài liệu. Tháng 10/2021, bộ phim The Good Father lên sóng ở Mỹ dựa trên câu chuyện có thật về gia đình MacNeill, do các diễn viên Charisma Carpenter, Tom Everett Scott, Anwen O’Driscoll thể hiện.

Cuốn sách The Stranger She Loved của Shanna Hogan phát hành 31/3 cũng lấy cảm hứng từ bi kịch của Michele MacNeill.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận