Huyền thoại bóng rổ Mỹ luôn tâm niệm chính những thất bại đã làm nên con người cũng như thành công của ông ngày hôm nay.
Dù chỉ là cầu thủ bóng rổ nhưng sức ảnh hưởng của Michael Jordan đã vươn ra toàn cầu và bao trùm cả giới thể thao nói chung.
Tháng 4/2019, kênh ESPN và Netflix đã phát hành một bộ phim tài liệu về Michael Jordan với tựa đề “Điệu nhảy cuối cùng” (The Last Dance). Các tập phim xoay quanh sự nghiệp của ông với đội Chicago Bulls, cho thấy rõ nét từng giọt “máu và nước mắt” đã rơi trên hành trình ông cùng các đồng đội của mình giành 6 chức vô địch giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA).
Suốt nhiều năm qua, Jordan được tôn vinh là cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại nhưng mọi thứ có thể hoàn toàn khác nếu ngôi sao này không biết cách chấp nhận thất bại như một phần tạo nên thành công của mình.
Michael Jordan sinh ra mà không có tài năng thiên bẩm về bóng rổ. Nhưng ông thực sự có điều gì đó làm nên khác biệt giữa một nhà vô địch và người chơi bình thường. Jordan luôn không ngừng nỗ lực và không bao giờ từ bỏ một khi đã hạ quyết tâm.
Mỗi khi thất bại, đa phần mọi người thường cảm thấy nản lòng và sợ phải thử lại. Đây là hành vi phổ biến song với Michael Jordan thì không. Thời trung học, ông từng bị loại khỏi đội bóng rổ của trường vì không đủ chiều cao và năng lực cũng không giỏi.
Thông thường, điều này sẽ phá hủy giấc mơ trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp của bất cứ thiếu niên nào. Nhưng Jorrdan lau nước mắt và tiếp tục luyện tập cho. Ông không để huấn luyện viên quyết định tương lai sự nghiệp của mình. Từ rất sớm Jordan đã hiểu rằng thất bại không định nghĩa một con người mà giá trị của ta nằm ở sức mạnh tự đứng dậy và cố gắng.
“Tôi đã ném trượt hơn 9.000 cú bóng trong sự nghiệp của mình. Tôi đã thua 300 trận. 26 lần tôi được giao cú ném quyết định và làm hỏng việc. Tôi đã thất bại liên tục, hết lần này đến lần khác trong cuộc đời mình. Và đó là lý do tôi thành công”, Jordan từng nói.
Cựu huấn luyện viên trưởng của Jordan tại Đại học Bắc Carolina từng chia sẻ một câu chuyện về việc ông quyết tâm như thế nào để có thể trở thành người giỏi nhất. Ông vẫn còn nhớ Jordan đã nói “em sẽ cho thầy thấy, không ai chăm chỉ như em”. Và Jordan đã giữ lời hứa.
“Nếu bạn đang cố gắng thực hiện một mục tiêu nào đó, chắc chắn sẽ có những rào cản trên đường. Tôi cũng có, tất cả mọi người đều có. Nhưng những trở ngại ấy không được phép khiến bạn dừng lại. Nếu bạn lao vào một bức tường, đừng quay lưng lại và từ bỏ. Hãy tìm cách trèo qua nó, vượt qua nó hoặc cải tạo nó”, Jordan nói.
Năm 1993, tất cả mọi người đều cảm thấy tiếc nuối và khó hiểu khi Michael Jordan từ giã sự nghiệp bóng rổ và chuyển sang chơi bóng chày. Ông và đội Chicago Bulls vừa giành chức vô địch NBA lần thứ ba, vậy tại sao ông lại bất ngờ thay đổi hướng đi?
Jordan muốn một thứ gì đó khác và muốn một lần nữa thử giới hạn của bản thân. Ông đã là một cầu thủ bóng rổ vĩ đại và việc trở nên giỏi cả bóng chày là thử thách mà Jordan tự đặt ra cho mình.
Ban đầu, ông gặp khó khăn với việc đánh trúng bóng nhưng vẫn tiếp tục chăm chỉ luyện tập và tốt dần lên theo thời gian. Triết lý của ông rất đơn giản, nếu muốn tốt hơn, bạn phải luyện tập, phải cam kết nâng cấp chính mình.
“Tôi có thể chấp nhận thất bại, tất cả mọi người rồi sẽ có lúc thất bại. Nhưng tôi không thể chấp nhận việc không thử sức”, ông nhấn mạnh.
Bộ phim tài liệu “Điệu nhảy cuối cùng” có cảnh Michael Jordan đang ăn mừng chức vô địch và một phóng viên đã hỏi liệu ông “có tiếp tục thi đấu thêm một năm nữa không?”. Jordan trả lời: “Đây là một khoảnh khắc đáng nhớ, anh bạn. Hãy nắm lấy khoảnh khắc và tận hưởng nó. Hãy cứ sống trong khoảnh khắc này tới tháng 10 tới rồi chúng ta sẽ biết chuyện gì đến tiếp theo”.
Thông điệp của huyền thoại bóng rổ Mỹ rất rõ ràng: Hãy sống ở hiện tại và cho phép bản thân ăn mừng những thành tựu mà bạn đạt được. Đừng chìm sâu vào quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Cần đặt ra mục tiêu nhưng hãy tận hưởng những gì bạn có ngay lúc này. Đừng lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội nào đó khi bạn thậm chí chưa nhìn thấy nó.
Năm 1995, đội Chicago Bulls bị loại khỏi vòng playoff NBA và thất bại này khiến trái tim Michael Jordan tan nát. Nhưng thay vì nghỉ ngơi một thời gian sau mùa giải, ông trở lại sân tập ngay ngày hôm sau.
“Đôi khi bạn thất bại nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không đủ giỏi. Nó chỉ có nghĩa là lần sau, bạn nên cố gắng nhiều hơn. Luôn có chỗ để cải thiện và luôn có những cách khác để đạt mục tiêu. Nếu đã cố gắng hết sức mà tôi vẫn chưa đủ tốt, ít nhất, tôi sẽ không phải nhìn lại và thấy rằng mình đã e sợ”, Jordan nói.