Mỹ theo đuổi chiến lược cứng rắn để tách rời Trung Quốc, song chấm dứt hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không mang lại hiệu quả cao, theo cựu bộ trưởng tài chính Mỹ.
Thế giới năm 2022 có nhiều điểm tương đồng với năm 2008, thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Gruzia. Căng thẳng giữa Mỹ với Iran và Triều Tiên gia tăng trong thời gian dài, trong khi thế giới đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, Henry Paulson, chủ tịch Viện Paulson và từng là Bộ trưởng Tài chính Mỹ giai đoạn 2006-2009, bình luận trong bài viết đăng trên Foreign Affairs.
Tuy nhiên, một điểm khác biệt đáng chú ý của năm 2022 là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Vào năm 2008, Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể hợp tác với nhau, dù có những khác biệt về chính trị và ý thức hệ, xung đột lợi ích an ninh và quan điểm khác nhau về kinh tế toàn cầu.
Theo Paulson, sự hợp tác này hiện nay là điều khó có thể tưởng tượng được. Đại dịch Covid-19 không đưa Mỹ – Trung xích lại gần nhau, mà chỉ làm tăng đối đầu giữa hai nước. Washington và Bắc Kinh chỉ trích, đổ lỗi cho nhau về các chính sách.
Mỹ đang nỗ lực thiết lập liên minh các quốc gia cùng chí hướng ở châu Âu và châu Á nhằm tạo đối trọng và gây áp lực với Trung Quốc, nổi bật là nhóm Bộ Tứ. Song Paulson đánh giá chiến lược này không hiệu quả, khi nó làm tổn thương cả hai nước về lâu dài và thậm chí khiến người Mỹ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
“Rõ ràng Washington có lợi khi hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực và duy trì mối quan hệ kinh tế có lợi với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”, chuyên gia này nhận định.
Ông cho biết nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ chia sẻ lập trường về Trung Quốc với Washington, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhạy cảm, xem xét kỹ lưỡng các khoản đầu tư của Trung Quốc, hay kêu gọi tiến hành các chính sách gây áp lực về kinh tế và quân sự với quốc gia này. Tuy nhiên, ngay cả những đối tác thân cận nhất của Mỹ cũng không sẵn sàng đối đầu, cố gắng kiềm chế hoặc làm suy thoái kinh tế Trung Quốc một cách mạnh mẽ như Washington.
Nhiều quốc gia thậm chí đi ngược lại những gì Washington mong muốn. Thay vì tách rời về kinh tế, nhiều nước đang thắt chặt thêm quan hệ thương mại với Trung Quốc, dù vẫn phòng ngừa rủi ro bằng cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng mới ở quốc gia khác và giảm tiếp xúc ở những lĩnh vực nhạy cảm.
“Có lẽ đó là lý do vào năm 2020, bất chấp nhiều cảnh báo của Mỹ, Trung Quốc vẫn trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của EU với Trung Quốc đều tăng vào năm 2022”, Paulson cho hay.
Chiến lược “hạn chế hàng hóa Trung Quốc” của Washington thậm chí còn kém hiệu quả hơn ở nam bán cầu. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021, tăng 35% so với năm 2020.
Chiến dịch đẩy các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ đã tương đối thành công ở châu Âu và Ấn Độ, nhưng không phát huy tác dụng ở những nơi khác.
Arab Saudi là một ví dụ. Đối tác thương mại lớn nhất của nước này là Trung Quốc và kế hoạch cải cách Tầm nhìn 2030 của Arab Saudi chủ yếu dựa vào hy vọng hợp tác với các công ty công nghệ Trung Quốc, như Alibaba hay Huawei.
Indonesia, quốc gia châu Á mà Washington muốn lôi kéo để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, đã hợp tác với Huawei để thực hiện các giải pháp an ninh mạng và hệ thống của chính phủ.
Những nỗ lực của Mỹ có thể kém hiệu quả hơn khi Trung Quốc đang mở cửa trở lại sau gần ba năm thực hiện chính sách “Không Covid”. Bắc Kinh đang đối phó với chiến lược kiềm chế của Mỹ bằng cách kết giao với nhiều bên hơn trừ Mỹ, Paulson cảnh báo.
Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19, mở cửa biên giới, giao lưu nhiều hơn với các lãnh đạo nước ngoài, tìm kiếm vốn và đầu tư nước ngoài để tái khởi động nền kinh tế. Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát đến Trung Á và Trung Đông, nhấn mạnh chiến lược tăng cường kết nối toàn cầu của Trung Quốc.
“Với việc ông Tập đang đi khắp thế giới sau ba năm gián đoạn, mang tới các cam kết mới về đầu tư, cơ sở hạ tầng và thương mại của Trung Quốc ở mọi điểm dừng chân, chính Washington chứ không phải Bắc Kinh sẽ sớm tự cảm thấy bất an”, Paulson nhận định.
Năm 2017, tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sáu năm sau, Washington rõ ràng không có ý định tham gia lại. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nộp đơn xin tham gia hiệp định, hiện được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trung Quốc cũng phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ở châu Á, nộp đơn xin tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số, đồng thời nâng cấp hoặc khởi xướng các hiệp định thương mại tự do mới với các nước từ Ecuador tới New Zealand.
Trung Quốc hiện là quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Gần 2/3 các nước trên thế giới giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ, theo Paulson.
“Những nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho Trung Quốc, nhưng chúng cũng làm tổn thương Mỹ”, ông cho hay.
Các doanh nghiệp Mỹ đang gặp bất lợi lớn trong cạnh tranh và người tiêu dùng Mỹ phải trả giá. Giới quan sát cho rằng một bước hợp lý để khắc phục vấn đề này là hạn chế thuế quan đối với hàng tiêu dùng Trung Quốc, bởi điều này chỉ mang mục đích chính trị và vô nghĩa về mặt kinh tế.
Các biện pháp thuế quan làm tổn thương Trung Quốc, nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới những đơn vị tạo việc làm ở Mỹ, trong đó có những công ty phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.
Chia sẻ về cách khiến Mỹ cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, ông Paulson cho rằng điều cực kỳ quan trọng là Washington phải giành chiến thắng trong các cuộc đua phát triển công nghệ và thu hút nhân tài. Thành công kinh tế sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự vượt trội về công nghệ.
Ngoài ra, Mỹ nên đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu thay vì nhường sân chơi cho Trung Quốc. Washington nên đi đầu về thương mại, không rút khỏi các hiệp định thương mại mà Trung Quốc đang cố gắng gia nhập và loại bỏ cơ hội của lao động Mỹ. Paulson cho rằng Mỹ cần có chính sách cứng rắn nhưng cân bằng, cởi mở đối thoại với Trung Quốc.
Những người ra quyết định của Mỹ và Trung Quốc nên gặp nhau thường xuyên và trao đổi thẳng thắn hơn, theo Paulson. Cựu bộ trưởng tài chính Mỹ cho rằng đây là cách hiệu quả để thiết lập các hành lang an toàn cho mối quan hệ và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực có tiềm năng.
“Một số lĩnh vực cần tách rời là điều không thể tránh khỏi. Như trong lĩnh vực công nghệ cao, một số chia tách sẽ hoàn toàn cần thiết. Nhưng tách rời hoàn toàn với Trung Quốc là vô nghĩa”, ông nói. “Người Mỹ được hưởng lợi từ việc tiếp cận thế giới và Trung Quốc là một thị trường khổng lồ mà Mỹ có thể cùng hợp tác”.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và là nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Quốc gia này vẫn sẽ là một phần quan trọng trong bức tranh tài chính toàn cầu nhiều thập kỷ tới.
“Thay vì dựng rào chắn giữa hai nước, Washington nên đàm phán tích cực với Bắc Kinh để giành lấy cơ hội cho chính mình”, Paulson chia sẻ.