Mỹ Latinh lội ngược dòng Covid-19

Từng là điểm nóng Covid-19 nghiêm trọng, Mỹ Latinh giờ đây dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng và đứng vững trước làn sóng lây nhiễm Omicron.

Khoảng 62% dân số Mỹ Latinh đã được tiêm chủng đầy đủ bằng các loại vaccine Covid-19 từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Tỷ lệ này cao hơn so với 60% tại châu Âu, 56% tại Bắc Mỹ và 54% ở châu Á, theo dữ liệu của Our World in Data, dự án nghiên cứu đại dịch thuộc Đại học Oxford của Anh.

Thành công này một phần nhờ vào thái độ đón nhận vaccine của người dân trên khắp Mỹ Latinh, khu vực từng dựa vào chiến dịch tiêm chủng để chống lại các dịch bệnh như sốt vàng da. Chính phủ các nước Mỹ Latinh không phải chật vật thuyết phục người dân đi tiêm chủng như ở châu Âu và Mỹ.

Dù vậy, chứng kiến biến chủng Omicron lây lan nhanh tại châu Âu và Mỹ, các nước Mỹ Latinh chưa thể ăn mừng sớm. Thêm vào đó, không phải tất cả quốc gia tại khu vực này đều triển khai chiến dịch tiêm chủng đồng đều, như Guatemala mới tiêm liều đầu tiên cho 1/3 dân số hay Mexico bị tụt lại về tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, thành tựu tiêm chủng ở hầu hết quốc gia trong khu vực là minh chứng cho cú lội ngược dòng ngoạn mục của Mỹ Latinh trước đại dịch.

Mỹ Latinh, khu vực chỉ chiếm 8% dân số thế giới, từng hứng chịu hậu quả nặng nề vì đại dịch. Đến giữa năm nay, 1/3 số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu được ghi nhận ở khu vực này.

Hồi tháng 6, Brazil ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên đầu người mỗi ngày cao gấp 7 lần so với Ấn Độ, đất nước hứng chịu làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc. Colombia và Argentina, với tổng cộng 95 triệu dân, khi đó cũng báo cáo số người chết vì Covid-19 mỗi ngày cao gấp ba lần toàn bộ châu Phi.

Đến tháng trước, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Mỹ Latinh giảm mạnh, chỉ còn chiếm 8% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng được mở rộng ở nhiều nước, từ các quốc gia giàu có như Brazil và Chile đến một số nước khó khăn như El Salvador. Giới chức y tế cho rằng đây là một lý do quan trọng giúp số ca nhiễm nCoV tại Mỹ Latinh chưa gia tăng, ngay cả khi biến chủng Omicron được cảnh báo dễ lây lan hơn đã xuất hiện trong khu vực.

Một nhân viên y tế chuẩn bị liều vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở San Salvador, El Salvador, hôm 13/7. Ảnh: Reuters.
Một nhân viên y tế chuẩn bị liều vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở San Salvador, El Salvador, hôm 13/7. Ảnh: Reuters.

Gần 2/3 trong số 6,5 triệu dân El Salvador đã được tiêm hai liều vaccine Covid-19, đứng thứ hai Trung Mỹ, chỉ sau Costa Rica. Theo đội ngũ nhân viên y tế El Salvador, thành tựu này là kết quả nỗ lực tích cực thu thập vaccine của giới chức thông qua các công ty Trung Quốc, cũng như những nhà sản xuất vaccine Pfizer và AstraZeneca.

Ngoài khó khăn về nguồn cung vaccine ban đầu, giới chức y tế El Salvador còn đối mặt thách thức từ các băng đảng hiện diện trên khắp đất nước trong nỗ lực chống dịch. Theo các tổ chức y tế địa phương, chính quyền Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã phải điều chỉnh các biện pháp chống dịch vô cùng cẩn thận tại những khu vực do băng đảng kiểm soát.

Độ phủ vaccine rộng tạo điều kiện để El Salvador hồi đầu năm tài trợ hơn 30.000 liều vaccine cho nước láng giềng Honduras. Trong tháng này, Tổng thống Bukele tuyên bố El Salvador quyết định rút khỏi cơ chế Covax để nhường suất vaccine cho các nước gặp khó khăn hơn.

“Chúng tôi nhường vị trí của mình cho các nước khác. Tạ ơn Chúa, chúng tôi đã có quá đủ vaccine, trong khi những quốc gia khác cần chúng”, Bukele viết trên Twitter.

Chính phủ của Tổng thống Bukele bị cáo buộc không thống kê đầy đủ số ca tử vong vì Covid-19, nhưng ngay cả một số người chỉ trích như tiến sĩ Ivan Solano, chuyên gia tiêm chủng và bệnh truyền nhiễm, cũng công nhận nỗ lực triển khai vaccine của chính quyền. “Tôi nghĩ El Salvador đã điều hành khá tốt chiến dịch cung cấp vaccine cho người dân”, ông nhận xét.

Trên toàn khu vực Mỹ Latinh, giới chức y tế cho biết nguồn cung vaccine dồi dào hơn đã giúp các chính phủ nới lỏng hạn chế di chuyển và hoạt động kinh doanh, mở đường hồi phục sau cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng vì đại dịch.

Brazil, vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới sau Mỹ với hơn 618.000 ca tử vong, giờ đây phần lớn đã trở lại trạng thái bình thường. “Bước nhảy vọt trong tỷ lệ tiêm chủng đã đưa Brazil ra khỏi tâm bão”, Carlos Fortaleza, nhà dịch tễ học tại Đại học Bang Sao Paulo, cho biết.

Các chuyên gia y tế Brazil cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất của họ lại chính là Tổng thống Jair Bolsonaro, người coi Covid-19 chỉ là “cúm vặt”. Giờ đây, gần 80% dân số Brazil đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, 66% hoàn thành hai mũi và hơn 10% đã tiêm mũi tăng cường, theo Our World in Data.

Tại Colombia, nơi hơn một nửa trong số 50 triệu dân đã được tiêm hai liều vaccine, giới chức y tế dường như thở phào khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì Covid-19 đều giảm mạnh. Nước này đang ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca nhiễm mới và 50 trường hợp tử vong mỗi ngày, trong khi những con số này hồi tháng 6 lần lượt là 30.000 và gần 700.

Colombia còn nằm trong số ít quốc gia trên thế giới đang triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, giới chức cho biết họ đang thúc đẩy chiến dịch thuyết phục người dân đi tiêm mũi hai và mũi ba giữa những lo ngại về khả năng số ca nhiễm gia tăng sau Giáng sinh và biến chủng Omicron. “Hai tuần tới là thời điểm rất quan trọng với công tác tiêm chủng”, Julian Fernandez, giám đốc dịch tễ học tại Bộ Y tế Colombia, cho hay.

Hầu hết thành phố lớn tại Mỹ Latinh đều đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, với 2/3 dân số được tiêm ít nhất một liều. Tại thành phố Pereira của Colombia, hơn 70% người dân thậm chí đã được tiêm chủng đầy đủ.

Theo Thị trưởng Pereira Carlos Maya, đội ngũ nhân viên y tế tại đây đã thiết lập điểm tiêm chủng tại các trạm xe buýt hay bên ngoài sân vận động của thành phố. Ông cho biết Pereira là thành phố đầu tiên tại Colombia yêu cầu những người hâm mộ bóng đá xuất trình chứng nhận tiêm chủng để được vào sân. “Chúng tôi đã phải thay đổi chiến lược thông thường, đến những địa điểm phi truyền thống”, Maya nói.

Tại thủ đô Buenos Aires của Argentina, 83% trong số 3 triệu dân của thành phố cũng đã được tiêm chủng đầy đủ và 14% được tiêm mũi tăng cường. Fernan Quiros, người đứng đầu cơ quan y tế Buenos Aires, cho biết thành công này là nhờ nhận thức của người dân Argentina về chiến dịch tiêm chủng. “Họ nhanh chóng đồng ý tiêm”, ông nói.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở các vùng nông thôn Mỹ Latinh đang bị tụt lại. Brazil ghi nhận 78% dân số bang Sao Paulo giàu có được tiêm chủng đầy đủ, nhưng tỷ lệ này ở bang Roraima chưa đến 40%. Những quốc gia khác cũng chứng kiến khác biệt rõ rệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa thành phố và nông thôn.

“Vẫn còn nhiều thách thức trong nhiệm vụ đưa vaccine tới vùng nông thôn của đất nước”, Bộ trưởng Y tế Colombia Fernando Ruiz cho hay.

Tại El Salvador, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn 90% người dân hài lòng với công tác xử lý đại dịch của chính phủ, bất chấp một số chỉ trích.

“Những người chỉ trích không hiểu nỗ lực đàm phán và những hy sinh mà một đất nước như El Salvador phải trải qua. Tất cả những nỗ lực giúp người dân được tiêm chủng đều đúng đắn”, Hector Enrique Diaz, tài xế xe tải 35 tuổi chuẩn bị được tiêm liều tăng cường, nêu ý kiến.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận