Võ sĩ quyền anh thành kiến trúc sư nổi tiếng

Từ một người tương lai chẳng mấy hứa hẹn, Tadao Ando trở thành kiến trúc sư nổi tiếng toàn cầu với giải thưởng kiến trúc cao quý nhất thế giới.

Ánh sáng chiếu vào căn phòng tối, qua khe hở hình chữ thập. Ở những băng ghế đằng sau luồng sáng đó, người tham quan mải mê ghi lại quang cảnh ngoạn mục bằng điện thoại.

Đó là năm 2017. Họ đang ở trong bản sao lớn ngang kích thước thật của Nhà thờ Ánh Sáng, được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Tokyo trong đợt triển lãm tôn vinh hơn 40 năm hành nghề của kiến trúc sư Tadao Ando.

Nhà thờ Ánh sáng là một công trình ở Osaka (Nhật Bản) do Ando thiết kế. Nó làm bằng bê tông, mặt tiền cắt hình chữ thập. Công trình thể hiện rõ quan điểm của Ando về mối quan hệ giữa bê tông, không gian và ánh sáng.

Bên trong Nhà thờ Ánh sáng ở Osaka. Ảnh: Tadao Ando

Ando sinh năm 1941, có một người em sinh đôi nhưng bị chia tách từ khi còn nhỏ. Ando sống với bà ngoại ở gần cảng Osaka, lớn lên với tình yêu và tài năng làm đồ thủ công nhờ quan sát xưởng mộc đối diện nhà.

Những năm tháng tuổi trẻ của Ando dường như chẳng có gì hứa hẹn. Cậu bé ngày đó thường la cà trên đồng ruộng và đường phố. Từ 10 đến 17 tuổi, Ando dành thời gian làm mô hình tàu thủy, máy bay, khuôn mẫu bằng gỗ rồi kiếm sống bằng nghề võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp trong một thời gian ngắn.

Tadao Ando năm 1999. Ảnh: CNN.
Tadao Ando năm 1999. Ảnh: CNN.

18 tuổi, Ando bắt đầu bị cuốn hút bởi kiến trúc. Không có tiền theo học các khóa chính quy, chàng trai trẻ trực tiếp đến các công trình kiến trúc và đọc sách cũ. Năm 24 tuổi, Ando lên tàu đi châu Âu “để nhìn ngắm thế giới”.

Nơi trời Tây, những công trình kiến trúc vĩ đại, đặc biệt là các thiết kế của kiến trúc sư người Thụy Sĩ – Pháp Le Corbusier, mê hoặc và truyền cảm hứng cho Ando. Sau này, kiến trúc sư Nhật Bản còn đặt tên cún cưng của mình là Corbusier. Ông vẽ lại mọi thứ đã quan sát và học hỏi được ở châu Âu trong một cuốn sổ. Về Osaka, ông mở văn phòng riêng và bắt đầu thiết kế các tòa nhà.

Thay vì sử dụng vật liệu truyền thống của người Nhật là gỗ, các công trình do Tadao Ando thiết kế chủ yếu bằng bê tông cốt thép. Từ nhà ở, công trình tôn giáo, bảo tàng đến trung tâm thương mại, chúng xác định không gian theo những cách mới, cho người ở trong cảm nhận rõ chuyển động của gió và ánh sáng.

“Trong các công trình của tôi, ánh sáng là yếu tố kiểm soát quan trọng. Tôi tạo ra những không gian kín bằng tường bê tông dày để xây nên nơi chốn riêng cho một cá nhân trong xã hội. Khi các yếu tố bên ngoài đòi hỏi một bức tường kín không khe hở, nội thất phải đặc biệt đủ đầy và thỏa mãn”, Ando lý giải. Mục tiêu của ông là “khôi phục sự thống nhất giữa ngôi nhà với thiên nhiên (nắng và gió), thứ đã mất trong quá trình hiện đại hóa nhà ở Nhật những năm 1950 và 1960”.

Ando tạo bước đột phá vào năm 1976 với căn nhà bê tông cốt thép không cửa sổ. Nằm giữa ba căn nhà kiểu Nhật truyền thống, công trình mang tên Nhà Azuma ở Sumiyoshi là một “thành trì ẩn dật”, lấy ánh sáng từ sân trong. Nó thay đổi những ý tưởng thông thường về nhà ở và mang về cho Ando giải thưởng của Hiệp hội Kiến trúc Nhật Bản.

Mặt tiền Nhà Azuma. Ảnh: Tadao Ando
Mặt tiền Nhà Azuma. Ảnh: Tadao Ando

Căn nhà đó có đủ thoải mái không? Chủ nhân hiện tại, đã sống ở đó 35 năm, tiết lộ: “Có lúc tôi hào hứng vì được sống ở đây, có lúc nó như thể thách thức tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy chán những trải nghiệm đó”.

Người ở trong những ngôi nhà Ando thiết kế thường sẵn sàng hy sinh một số tiện nghi để gần gũi với thiên nhiên hơn, riêng tư hơn và để công trình thách thức bản thân như thế.

Danh tiếng của Ando lớn dần trong thập niên 1980. Đến đầu thập niên 1990, các nhân vật nổi tiếng đã tìm đến ông nhờ thiết kế, như gia đình Benetton ở Italy. Những người sáng lập công ty thời trang Benetton Group S.p.A. đề nghị Ando thiết kế Ngôi nhà Vô hình (Invisible House). Nằm gần Venice, đây là công trình bằng bê tông chìm sâu gần bốn mét dưới mặt đất để đảm bảo riêng tư. Danh sách khách hàng của Ando còn có Tom Ford, Karl Lagerfeld dù kiến trúc sư Nhật Bản chẳng bao giờ tự quảng bá tên tuổi.

Đầu những năm 2000, Ando lại gây ấn tượng với Nhà 4×4. Công trình nằm trên bờ biển bị xói mòn nghiêm trọng ở Kobe, gồm bốn tầng, mặt tiền gần như hoàn toàn bằng kính để tối ưu tầm nhìn ra biển.

“Tất nhiên, tôi không an tâm lắm mỗi khi có bão”, chủ nhân Nhà 4×4 nói. “Thế nhưng, khi đã quen, tôi lại thích sống trong ngôi nhà này. Nó không chạy theo xu hướng và mang trong mình một sự giàu có mà tôi sẽ không thay đổi. Đây có thể là nơi tôi sẽ ở tới cuối đời”.

Dù đã thực hiện những dự án khổng lồ, Tadao Ando vẫn tin rằng nhà ở là phần cơ bản của công việc. Ông cũng muốn nhấn mạnh rằng kiến trúc là sản phẩm của mối quan hệ giữa khách hàng, công ty xây dựng với kiến trúc sư và kiến trúc không phải người vĩ đại nhất trong liên minh đó.

Nhà 4x4 ở Kobe. Ảnh: Tadao Ando
Nhà 4×4 ở Kobe. Ảnh: Tadao Ando

Bằng kiến trúc, Ando thay đổi số phận không chỉ của một con người mà của cả một hòn đảo.

Giữa thập niên 1980, Ando tham dự dự án đặc biệt trên đảo Naoshima, nơi cả dân số lẫn kinh tế đều đang đi xuống. Tỷ phú Soichiro Fukutake của Tập đoàn Benesse muốn biến hòn đảo thành một trung tâm văn hóa nên ủy quyền Ando thiết kế Bảo tàng Benesse. Phòng trưng bày được chôn một phần dưới đất và tạo nên thương hiệu của Ando.

10 năm tiếp theo, Ando xây thêm sáu tòa nhà công cộng ở Naoshima. Những ngôi nhà bỏ hoang “lột xác” thành nhà khách, các nghệ sĩ nổi tiếng như Yayoi Kusama gửi tác phẩm của mình lên đảo và lễ hội nghệ thuật Naoshima giờ thu hút khoảng 800.000 du khách mỗi năm.

Một điểm đặc biệt khác của Ando là thái độ khi “gặp gỡ” kiến trúc cũ. Thay vì phá bỏ những thứ đã có, ông xây dựng xung quanh hoặc bên trong nó. Năm 2009, Ando đưa các khối hình học vào công trình Punta Della Dogana ở Venice để biến tòa nhà từ thế kỷ 15 thành bảo tàng nghệ thuật theo yêu cầu của ông trùm hàng xa xỉ Pháp François Pinault.

“Bạn nên tôn trọng người già, bạn nên tôn trọng những công trình kiến trúc cũ. Đồng thời, bạn cũng nên hướng về tương lai”, Ando nói.

Các công trình bê tông của Ando chinh phục giới kiến trúc toàn cầu và trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau. Năm 1995, ông đoạt giải thưởng Pritzker, giải thưởng cao quý nhất của ngành kiến trúc. Ban tổ chức còn nhận định: “Chẳng ai trong giới kiến trúc không biết tác phẩm của ông ấy”.

Năm 2017, Ando tổ chức lễ triển lãm lớn nhất từ trước đến nay của mình. Nó mang tên tiếng Anh là Endeavors (nỗ lực), còn tên tiếng Nhật dịch ra là thách thức. Cả hai từ đều phù hợp với những gì Ando đã trải qua và còn đang tiếp tục. Đã 80 tuổi, lại từng bị ung thư, Ando giờ vẫn thiết kế.

“Người Nhật thường không cố gắng làm những điều lớn lao. Họ không muốn phạm lỗi hay mơ một giấc mơ vĩ đại”, Yayoi Motohashi, người phụ trách triển lãm năm 2017 nói. “Cái tên triển làm cũng là thông điệp gửi đến xã hội: Hãy tự do trỗi dậy”.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận